Vào ngày thứ Sáu, trong cuộc tranh luận tại Ủy ban Ngân sách của Thượng viện, Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố rằng, ông không có ý định đem món quà cho Mỹ nhân dịp chuyến thăm sắp tới đến Hoa Kỳ bằng cách nhượng bộ tại cuộc đàm phán về thành lập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ông Abe nói, “Chúng tôi đang ở giai đoạn cuối cùng, song, vẫn còn những vấn đề chưa được giải quyết. Không thể nói về sự thỏa hiệp chỉ vì tôi sắp lên đường đi Hoa Kỳ". Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh, ông sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia, khi cần thiết sẽ tấn công để bảo vệ những điều quan trọng.
Lập trường này của Thủ tướng Nhật Bản là dễ hiểu. Mặc dù giới doanh nghiệp lớn ủng hộ việc Nhật Bản gia nhập TPP để có khả năng tiếp cận tự do hơn thị trường thế giới, nhưng, bước đi này có thể dẫn đến những hậu quả khó chịu đối với một số ngành kinh tế Nhật Bản. Chuyên gia hàng đầu của Viện Nghiên cứu Quốc tế trực thuộc Học viện Ngoại giao MGIMO Andrei Ivanov nói: “Nhật Bản lo ngại rằng, sau khi gia nhập TPP, các loại thực phẩm nhập khẩu vào Nhật Bản sẽ giảm giá, và tự do hóa thị trường nông nghiệp sẽ dẫn đến việc ngành sản xuất các loại thực phẩm trong nước sẽ giảm khoảng 40% bởi vì ngành nông nghiệp Nhật Bản hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của nhà nước và không có khả năng đứng vững trong sự cạnh tranh tự do”.
Chuyên gia Nga lưu ý rằng, cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nhật Bản về Hiệp định TPP đã là gay go và rất phức tạp. Trong ba năm qua, kết quả của hơn hai chục cuộc họp giữa Mỹ và Nhật Bản ở cấp bộ trưởng đã được bình luận một cách ngắn gọn: "ghi nhận lập trường của hai bên xích lại gần nhau" và "các chuyên gia nên tiếp tục đàm phán", mặc dù trên thực tế hai bên vẫn giữ lập trường khác nhau.
Tuy nhiên, cuối tháng Giêng năm 2015, tờ "Asahi" đã đưa tin rằng, tại cuộc đàm phán về thành lập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương, Nhật Bản sẵn sàng nhượng bộ Hoa Kỳ và đang xem xét cắt giảm mức thuế nhập khẩu thịt bò từ 38,5% xuống 9% trong suốt hơn 10 năm. Theo đại diện của Nhật Bản tại cuộc đàm phán ông Akira Amari, phía Nhật Bản có những nhượng bộ vì sợ rằng "cuộc đàm phán sẽ sụp đổ”.
Chuyên gia Andrey Ivanov nhận xét, Nhật Bản hiểu rằng, đó là một kịch bản khá thực tế. Chính bởi vậy, song song với cuộc đàm phán về TPP, Nhật Bản đang tăng mạnh nỗ lực nhằm ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước ASEAN, Australia và EU. Thời gian tới sẽ nối lại cuộc đàm phán ba bên về Hiệp định FTA giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Tất cả điều này cho thấy rằng, Nhật Bản coi mình là một cầu thủ chính trị độc lập trên vũ đài thế giới, có lợi ích riêng không phải luôn luôn trùng hợp với Mỹ. Và như ông Abe tuyên bố, Nhật Bản không có ý định hy sinh những lợi ích quốc gia.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương là thỏa thuận thương mại, gợi ý bãi bỏ gần như hoàn toàn thuế hải quan về vận chuyển hàng hóa và dịch vụ giữa các nước thành viên. Ban đầu, tham gia Hiệp định TPP đã có Chile, New Zealand, Brunei và Singapore. Sau đó tham gia cuộc đàm phán có Mỹ, Nhật Bản, Australia, Việt Nam, Malaysia, Mexico và Peru.
Nhật Bản không vội vã nhượng bộ Mỹ trong vấn đề TPP
19:18 27.03.2015 (Đã cập nhật: 19:38 27.03.2015)
© AP Photo / Shizuo KambayashiShinzo Abe
© AP Photo / Shizuo Kambayashi
Đăng ký
Mặc dù Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vốn theo đuổi chính sách thân Mỹ, nhưng, hóa ra, ông không sẵn sàng hy sinh lợi ích của nước mình chỉ vì lợi ích của Hoa Kỳ.