Ngày 08 tháng Tư 2014 Bộ Quốc phòng Nga đã ký hợp đồng cung cấp 32 chiếc trực thăng seri Ka-52K. 12 chiếc của lô đầu tiên cần được hoàn thành trong năm 2015.
Số phận chiếc tàu Pháp "Mistral" cho đến nay vẫn tù mù. Do chính sách trừng phạt chống Nga, việc cung cấp hai tàu chở trực thăng không được xúc tiến dù đã cam kết. Tuy nhiên loạt máy bay trực thăng để bố trí trên tàu vẫn được Nga chế tạo và đang qua thử nghiệm. Theo kế hoạch của quân đội, lô đầu tiên gồm 10 chiếc của seri Ka-52K sẽ được sử dụng như máy bay cho căn cứ đặt trên đất liền ở Kamchatka. Tổng cộng, đến năm 2020 Hải quân Nga sẽ nhận hơn 120 máy bay trực thăng như thế.
Ka-52 thừa hưởng mọi ưu điểm của mẫu trực thăng độc đáo Ka-50 "Cá mập đen". Khác với tất cả các loại trực thăng tấn công hiện có, Ka-50 chỉ do một phi công điều khiển. Và các chuyên viên quân sự nước ngoài đơn giản là đã không thể tin rằng một người có đủ sức chịu đựng và lái cỗ máy cơ động với vận tốc lớn và tầm bay thấp, cùng một lúc có thể điều khiển bắn trúng mấy mục tiêu.
Ka-52 "Alligator" là mẫu có hai chỗ ngồi. Giống như "bậc tiền bối", máy bay trực thăng này có cánh quạt kép. Nhờ đặc điểm đó "Alligator" có khả năng thực hiện những thao tác mà trực thăng Mỹ AH-64 "Apache" hay là Mi-28N của Nga không thể làm nổi. Thí dụ, thực hiện chiêu thức "mặt phẳng", đảo chiều bất ngờ gần như ngay tại chỗ. Ngoài khả năng cất cánh và tiếp đất ở những sàn địa hình hạn chế, thủ thuật này còn cho phép thiết bị bay bất chấp mọi hướng gió.
Khi đang trong chế độ "treo" — đứng im lơ lửng trên không —, máy bay trực thăng có thể "tái khởi động" mau lẹ với gia tốc lớn hơn so với những "người anh em" cánh quạt đơn, do đó Ka-52 "Alligator" sở hữu sức cơ động linh hoạt chưa từng thấy dành để tiến hành trận đánh.
Ka-52K được thiết kế nhằm tiêu diệt xe tăng và các loại khí tài thiết giáp khác của đối phương, có thể chiến đấu với các mục tiêu bay chậm trên không. Bởi máy bay trực thăng đảm trách nhiệm vụ tiên phong trong hầu hết các hoạt động chiến sự, buồng lái của các phi công cũng được bọc thép. Trực thăng được trang bị ba cỗ pháo: 1 khẩu cỡ nòng 30 mm và 2 khẩu cỡ nòng 23 mm, bố trí trong container đặc biệt trên "đôi cánh" của máy bay. Cơ số đạn của mỗi khẩu pháo là 500 viên. Ka-52 mang tên lửa siêu thanh chống tăng "Vikhr" với phương tiện dẫn hướng bằng laser. Ngoài ra, trên máy bay trực thăng còn có thể gắn được hệ thống tên lửa phòng không "Igla" để diệt mục tiêu trên không. Cũng chính nhờ thân bọc thép bền vững và hệ trang bị vũ khí nghiêm túc, nên trong giới quân sự Ka-52 nhận được biệt danh là "Xe tăng bay".
Chi tiết không kém quan trọng là "Alligator" đủ sức quản lý nhóm máy bay trực thăng, đảm đương vai trò như là "trung tâm trí não" — xác định và phân chia mục tiêu cho tất cả các thành viên khác. Đồng thời, Ka-52K hoạt động vào bất cứ khoảng thời gian nào trong ngày và đêm, bất chấp mọi điều kiện thời tiết.
Phần khoang của Ka-52K tiềm năng có thể nhận được dàn radar mới, cho phép nó sử dụng tên lửa siêu thanh chống hạm X-31 và X-35. Thực tế này khiến cho Ka-52kK trở thành cỗ máy chiến đấu có cánh hoàn hảo. Vấn đề là ở chỗ là cho đến gần đây các các tên lửa hành trình chống hạm chỉ có thể dùng được với chiến đấu cơ phản lực Su-30 và MiG-29K.
Trên thế giới hiện nay tuyệt nhiên không hề có mẫu trực thăng nào tương tự như Ka-52K. Với bộ vũ khí tấn công tiên tiến và hoàn chỉnh trên khoang, những chiếc "Xe tăng bay" của Nga là phương án độc đáo tối ưu để thực hiện chiến dịch đặc biệt có khả năng đánh chìm tàu biển của đối phương.