Văn kiện chính thức một lần nữa khẳng định cam kết thực hiện các thỏa thuận Minsk. Kết quả chính của cuộc gặp này là "Bộ tứ Normandy" kêu gọi ngay lập tức thành lập của các nhóm làm việc tại Ukraina. Ngoài ra, các bên nhất trí ủng hộ đề xuất của OSCE bổ sung danh sách vũ khí hạng nặng cần rút khỏi miền Đông Ukraina.
Cuộc gặp của các ngoại trưởng "Bộ tứ Normandy" đã kéo dài khoảng ba giờ. Theo tin của RIA Novosti, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp là người đầu tiên rời khỏi phòng họp, còn các đồng nghiệp của ông từ Nga, Ukraina và Đức đã ở lại để tiếp tục chọn lựa hợp lí những thuật ngữ trong bản tuyên bố chung. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov, cuộc họp "là hữu ích","dù có không ít ý kiến trái ngược nhau", song, Nga bảo vệ được quan điểm về sự cần thiết phải thúc đẩy thực thi thoả thuận Minsk mà các nhà lãnh đạo đã ký kết vào ngày 12 tháng 2. Các ngoại trưởng nhấn mạnh rằng, thỏa thuận Minsk phải được thực hiện đầy đủ "không chỉ trong lĩnh vực quân sự, mà còn về chính trị, kinh tế và nhân đạo". Một trong những kết quả quan trọng nhất của cuộc gặp này là quyết định thành lập bốn nhóm làm việc — về an ninh, về chính trị, về các vấn đề nhân đạo, và phục hồi kinh tế Donbass.
Theo lời ông Lavrov, tại cuộc đàm phán ở Berlin các bên mất hầu hết thời gian để thảo luận về vấn đề thành lập các nhóm làm việc. Bộ trưởng nói: "Chúng tôi hiểu rằng, phải mất một thời gian để thực hiện lời kêu gọi thành lập các nhóm làm việc, nhưng, tôi hy vọng rằng, quyết tâm chung của chúng tôi sẽ xúc tiến quá trình thực hiện các bước đi nhằm cụ thể hóa thỏa thuận mà các nhà lãnh đạo đã đạt được. Tôi nghĩ rằng, trong tương lai gần, chúng ta sẽ thấy kết quả cụ thể".
Theo Bộ trưởng Nga, một trong những kết quả quan trọng nhất của cuộc gặp "Bộ tứ trung gian Normandy" là quyết định ủng hộ đề xuất của OSCE xem xét vấn đề rút các đơn vị vũ khí cỡ nòng dưới 100mm cũng như xe tăng, để bổ sung danh sách vũ khí hạng nặng cần rút khỏi miền Đông Ukraina theo hiệp định Minsk. Ông Lavrov nói, đây là một quyết định khá cụ thể. Một tháng rưỡi trước đây, phía Nga thông qua các đại diện của mình tại Trung tâm phối hợp và kiểm soát đã đưa ra đề xuất này, và bây giờ có sự ủng hộ của "Bộ tứ Normandy", và đây là một thành tựu quan trọng.
Sáng kiến phái lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraina, mà Kiev đòi hỏi ngay từ đầu, đã không nhận được sự ủng hộ trong quá trình đàm phán. Mặc dù ngay trước cuộc họp, Tổng thống Ukraina đã tuyên bố, ông hy vọng rằng vấn đề phái lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ là chủ đề chính của cuộc thảo luận.
Bản tuyên bố chung nhấn mạnh rằng, các thành viên "Bộ tứ Normandy" đều ủng hộ quan điểm của OSCE về sự cần thiết đảm bảo sự hiện thường xuyên tại Ukraina của Ủy ban đặc biệt về giám sát quá trình làm dịu tình hình ở các khu vực phía Đông. Ngoài ra, tất cả những người tham gia cuộc đàm phán đều bày tỏ ý muốn tiếp tục hỗ trợ OSCE về mặt tài chính và cung cấp nhân lực trong vài tuần tới.