Chúng tôi sinh ra trong chiến tranh…

© SputnikGalina Prokosheva
Galina Prokosheva - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Cuộc chiến tranh chống lại quân phát-xít xâm lược những năm 1941-1945 đã để lại dấu ấn không thể xóa nhòa trong tâm khảm những ai từng trải nghiệm nỗi kinh hoàng thuở ấy.

Chiến tranh là thảm kịch đối với toàn dân tộc, nhưng đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong thời chiến  chính là các trẻ em. Thay vì một thời thơ ấu vô tư, những đứa trẻ phải hoảng sợ, đau đớn, bị mất những người thân yêu. "Chúng tôi sinh ra từ chiến tranh" – đó là câu nói của những người mà tuổi thơ diễn ra trong những tháng năm chiến tranh nặng nề nhất. Bất kể độ tuổi còn nhỏ, các thiếu niên này đã phải gồng mình lên cùng người lớn chiến đấu chống bọn xâm lược.

Hôm nay chúng tôi xin kể với các bạn câu chuyện về người mẹ của một đồng nghiệp — chị Lyudmila Saakyan biên tập viên Ban phát thanh châu Á. Bà mẹ của chị tên là Galina Prokosheva. Bà chính là một trong những người đã hứng chịu bao thử thách khắc nghiệt của thời chiến.

Bà Galina sinh năm 1928 tại thành phố Sukhinichi, cách Matxcơva chừng 250 km về phía tây-nam. Khi chiến tranh nổ ra, bà Galia còn là cô bé 13 tuổi. Ngày 22 tháng Sáu 1941 cư dân Sukhinichi lo lắng nghe đài phát thanh thông báo khởi đầu cuộc chiến. Ai cũng hiểu là cuộc sống yên bình đã chấm dứt. Đây là hồi ức của bà Galina Prokosheva:

"Chúng tôi biết về chiến tranh qua thông báo trên loa truyền thanh lắp trong mỗi ngôi nhà và thậm chí cả trên đường phố cũng có. Buổi sáng mùa hạ, bầu trời trong xanh, kỳ nghỉ hè tươi vui thoải mái của các học sinh phổ thông, tất cả quanh cảnh ấy không thể nào gắn được với từ "chiến tranh" kinh hoàng. Cảm giác đầu tiên mà các cư dân địa phương trải nghiệm là sợ hãi và hoảng loạn. Chẳng ai biết phải làm gì hoặc chạy đi đâu. Tuy nhiên, ngay trong những ngày đầu chiến tranh chính quyền đã tiến hành đưa các trẻ em từ 14 đến 16 tuổi đi sơ tán. Các bậc cha mẹ nói rằng bọn trẻ cần được cứu thoát trước hết. Thiếu nhi được gửi đến vùng Ural, người ta nói rằng tất cả sẽ ở đó để làm việc và học hành cho đến ngày giải phóng. Tôi không đi cùng các bạn được vì lúc đó đang viêm họng sốt cao phải nằm viện. Thực tế là ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến khắp nơi đều nghe vang lên từ "giải phóng", khơi dậy trong mọi người cảm xúc lạc quan và niềm tin. Khi đã lớn thêm rồi, tôi nghĩ rằng có lẽ sơ tán là một biện pháp để cứu quĩ gien của đất nước. Sau đó cả người lớn cũng tản cư, nếu có ai đó để nhờ cậy và có phương tiện di chuyển. Còn những người ở lại trong thành phố thì được điều động ra đào công sự. Có giả thiết rằng những dãy chiến hào sẽ trở thành chướng ngại ngăn xe tăng Đức, nhưng hồi đó không một ai trong số các cư dân thành phố hình dung được rằng xe tăng của bọn phát-xit sẽ kéo đến nhiều như vậy và Sukhinichi thanh bình hồi nào sẽ trở thành bãi chiến trường giằng co ác liệt…”.

Ngày 7 tháng Mười 1941, quân Đức chiếm đóng Sukhinichi. Thành phố như một đầu mối ngã ba đường sắt chính là cứ điểm chiến lược quan trọng ở ngoại vi Matxcơva. Trong nội thị và vùng xung quanh tập trung lực lượng lớn của quân Đức. Tầm quan trọng của cứ điểm này càng trở nên rõ ràng trong vô số mệnh lệnh và thông báo, cả của phía Liên Xô cũng như phía Đức. Hitler từng hơn 20 lần nhắc nhở các tướng lĩnh thuộc hạ của y rằng “Trước hết, phải giữ lấy Sukhinichi!”.
 
Ngôi nhà nơi bà Galina sinh ra đã biến thành trụ sở Ban tham mưu Đức.

Bà Galina Prokosheva kể tiếp: "Bọn Đức đuổi chúng tôi ra khỏi nhà, thế là tất cả chúng tôi cùng mấy gia đình khác túm tụm với nhau, trú nhờ những người không quen biết. Thời ấy đói lắm, kiếm được gì ăn nấy: bới khoai tây sót lại trên đồng, hoặc vào rừng  nhặt quả phỉ rơi rụng. Cửa hàng không hoạt động, bưu điện và bệnh viện cũng tê liệt hoàn toàn… Mỗi khi máy bay ném bom, chúng tôi trốn dưới tầng hầm. Luôn có cảm tưởng là bom nổ làm bầu trời cũng sập xuống đất. Anh trai tôi, lớn hơn tôi 5 tuổi, ngay sau khi nghe công bố bắt đầu chiến tranh đã trốn theo đội du kích, hoạt động trong vùng rừng xung quanh. Giả sử ai đó báo chuyện này với người Đức thì chắc chúng bắn chết mẹ con tôi rồi. Nhưng giữa dân địa phương và đám binh sĩ Đức có bức tường ngăn cách vô hình, câm lặng và đầy thù hận. Một lần, anh tôi bí mật lẻn vào thành phố thăm mẹ và các em, lại đúng lúc ném  bom. "Ở trong rừng còn  yên tĩnh hơn nhiều”, — anh nhận xét như vậy. Trong thời gian diễn ra những trận đánh ác liệt, khắp nơi vang rền tiếng bom, tiếng súng và tiếng lựu đạn nổ, thành phố biến thành địa ngục giữa trần gian. Quả thực là khủng khiếp, nhưng không phải là chỉ đối với chúng tôi. Bọn Đức cũng hoảng sợ. Chúng sợ du kích, sợ dàn hỏa tiễn "Katyusha" của Hồng quân, rồi sợ cả chúng tôi, những người dân bình thường vì không thể đoán được dân Nga sẽ làm gì. Những hành vi bất tuân lệnh, các vụ nổ mìn, truyền đơn của du kích thỉnh thoảng xuất hiện, tất cả những điều đó khiến bọn xâm lược phải sống trong hoang mang sợ hãi…".

Tháng Giêng năm 1942 những người lính thuộc quân đoàn 16 dưới sự chỉ huy của tướng Konstantin Rokossovsky đã tấn công giải phóng thành phố Sukhinichi. Bản thân cư dân địa phương cũng đã có đóng góp quan trọng vào cuộc chiến đấu chống bọn phát-xit xâm lược. Trên các mặt trận của Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã có phần tham gia của hơn 12.000 người con Sukhinichi. Chỉ riêng trong các trận đánh vào thành phố đã có hơn 10.000 chiến sĩ hy sinh. Trong thời gian chiếm đóng, quân Đức đã hành quyết 668 người, còn 1.883 bị đày ải khổ sai như nô lệ. Bảy người con của địa phương này được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Trong số những công dân danh dự của thành phố có ông Efim Osipenko được trao tặng Huy chương "Du kích Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại” hạng Nhất, mang số №000001. Đó là tấm Huy chương đầu tiên trong loại hình khen thưởng này ở Liên bang Xô-viết.

"Tôi không biết cảm giác đó ở đâu ra nhưng thực sự là ngay từ ngày đầu chiến tranh, tất cả chúng tôi đều vững tin vào chiến thắng. Không một ai có chút nghi ngờ dù nhỏ vào kết quả sẽ vượt qua mọi gian nan và nhất định đánh bại kẻ thù. Lúc đó cũng không ai nghĩ đến cái giá của chiến thắng…Cốt yếu là phải chiến thắng", — bà Galina Prokosheva kết luận..

Tháng Ba 2015, bà Galina Prokosheva đón sinh nhật lần thứ 87, và bà mong đợi từng ngày để chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng vĩ đại. Bởi Chiến thắng này đã đổi bằng máu xương và sinh mạng của hàng chục triệu người dân Liên Xô.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала