Hôm nay, đẳng cấp của thành phố khiêm tốn hơn nhiều: Tobolsk là huyện lỵ thuộc tỉnh Tyumen. Nhưng, vẫn như trước đây, Tobolsk xứng đáng được coi là một trong những thành phố đẹp nhất Siberia.
Lịch sử Tobolsk khởi nguồn từ năm 1587, khi một nhóm Cossacks dựng pháo đài ở nơi hai con sông Tobol và Irtysh gặp nhau. Vị trí chiến lược của thành phố đã biến nó thành một trung tâm quan trọng của miền Siberia nước Nga. Từ đây, các đoàn thám hiểm dũng cảm của Nga xuất phát đi các nơi để tìm hiểu những vùng đất xa lạ. Họ đến bờ biển Bắc Băng Dương và Thái Bình Dương, mở rộng biên cương của đế chế Nga.
Kẻ thù tồi tệ nhất của Tobolsk là hỏa hoạn. Trong thế kỷ đầu tiên tồn tại, thành phố đã phải khôi phục và củng cố các ngôi nhà gỗ của mình đến bảy lần. Từ cuối thế kỷ XVII, trên nền các tòa nhà bị cháy, người dân thành phố bắt đầu xây dựng những công trình bằng đá. Trong số các công trình đầu tiên ấy có Nhà thờ Sophisko-Uspenski — một trong những nhà thờ Chính thống giáo lâu đời nhất ở Siberia. Cho đến ngày nay, nhà thờ năm mái vòm trắng như tuyết vẫn đang tô điểm cho trung tâm lịch sử của Tobolsk.
Các vị Nga Hoàng rất ưu ái Siberia. Tobolsk trở thành thành phố duy nhất ở Siberia, nơi có những bức tường đá của điện Kremlin. Đây là một di tích độc đáo của nghệ thuật xây thành Nga. Những bức tường và tháp đá trắng của điện Kremlin Tobolsk được xây dựng trên một ngọn núi cao, từ đó có thể đưa tầm mắt nhìn xuống thành phố và các vùng lân cận.
Điện Kremlin Tobolsk, giống như hộp đồ trang sức, là nơi lưu trữ những kiệt tác kiến trúc chính của thành phố. Ở đây, giữa những ngôi đền đẹp đẽ và những ngọn tháp cổ kính là một tháp chuông nhỏ. Có một câu chuyện thú vị liên quan đến tháp chuông này. Năm 1593, thị trấn Uglich đưa đến Tobolsk một tù nhân bất thường — đó là một quả chuông đồng. Đây chính là quả chuông đã gióng lên kêu gọi cuộc nổi loạn ở Uglich. Sau khi trừng trị những người khởi nghĩa, chính quyền đã phạt chiếc chuông bằng cách đánh nó bằng roi và đưa đi đày ở Tobolsk. Chiếc chuông đồng "nổi loạn" được đặt trên tháp chuông và trở thành một danh lam thắng cảnh địa phương: Nhiều du khách đi qua Tobolsk đều mong muốn nhìn thấy chiếc chuông tội lỗi này. Đến năm 1882, sau nhiều lần thỉnh cầu, người dân Uglich đã xin cho quả chuông lưu lạc được trở về quê hương. Và từ đó, tháp chuông Tobolsk chỉ treo bản sao chiếc chuông "nổi loạn".
Trong giai đoạn thế kỷ XVIII-XIX, thủ đô Siberia nhanh chóng phát triển. Thành phố có nhà máy lớn và xưởng thủ công mỹ nghệ, thương nhân buôn bán sôi nổi với các nước châu Á và châu Âu. Tobolsk nổi tiếng về lông thú, hàng năm thành phố này xuất khẩu khoảng một triệu bộ lông sóc, thỏ rừng và cáo.
Vào đầu thế kỷ XX, ở Siberia và Viễn Đông xuất hiện các trung tâm hành chính mới, vì vậy Tobolsk đã mất đi vị thế thủ đô Siberia. Gần một thế kỷ Tobolsk đã phải bằng lòng với vai trò một thị xã nhỏ bé và sống với ký ức về sự vĩ đại của mình trong quá khứ.
Hôm nay Tobolsk lại lần nữa hồi sinh. Chính quyền thành phố đã khôi phục toàn diện các di tích kiến trúc và xây dựng các khách sạn hiện đại. Mỗi năm, hàng chục ngàn du khách đến thăm Tobolsk. Mặc dù không chính thức, thành phố lại được mệnh danh là thủ đô du lịch của Siberia.