Tài liệu này đánh dấu sự khởi đầu một giai đoạn mới trong sự phát triển của lực lượng vũ trang Trung Quốc, — như nhận xét của chuyên viên Vasily Kashin từ Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ trong bài viết đặc biệt dành cho "Sputnik".
Điểm nổi bật của chiến lược mới là xác định trực tiếp những đối thủ chính của Trung Quốc — đó là Hoa Kỳ và Nhật Bản, mà đường lối ở châu Á là nguyên nhân gây lo ngại cho ban lãnh đạo Trung Quốc. Bắc Kinh coi mâu thuẫn với Nhật Bản và Hoa Kỳ là nguyên tắc và lâu dài.
Trong chiến lược nói thẳng về kế hoạch của lực lượng "chống Trung Quốc" nhằm thực hiện cuộc "cách mạng màu" ở Trung Quốc. Bất kể chiều sâu của cuộc đối đầu Mỹ-Nga, ngay cả học thuyết quân sự của Nga năm 2014 cũng không hề có lời nào phân định mối đe dọa tương tự một cách chắc chắn như vậy. Việc công bố chiến lược vì thế là minh chứng về mâu thuẫn cơ bản nghiêm trọng giữa Trung Quốc, một mặt với Hoa Kỳ và mặt khác là với đồng minh của Mỹ.
Văn kiện còn chứng tỏ sự mở rộng đáng kể về phạm vi địa lý và chính trị dành cho việc sử dụng lực lượng hải quân Trung Quốc. Học thuyết chỉ ra rằng hải quân Trung Quốc sẽ ngày càng đảm nhận nhiệm vụ lớn hơn về bảo vệ lợi ích hàng hải của đất nước trên đại dương thế giới.
Thời gian gần đây, chúng ta đã thấy hiện diện ngày càng tăng của hải quân Trung Quốc cả ở những vùng xa. Hải quân Trung Quốc và các đơn vị đặc nhiệm đã tham gia sơ tán công dân Trung Quốc từ địa bàn Yemen bị chiến tranh tàn phá, trong tháng Năm diễn ra cuộc tập trận chung đầu tiên của hải quân Trung Quốc và Nga trên Địa Trung Hải.
Chiến lược mới cũng nói về kế hoạch mở rộng khả năng tấn công của không quân, nâng cao tiềm lực của pháo binh về giáng đòn có độ chính xác cao và mở rộng khả năng của bộ binh về điều chuyển lực lượng giữa các địa bàn chiến sự. Lần đầu tiên nói về kế hoạch tạo lập hệ thống phòng thủ tên lửa, cũng như về sự phát triển hệ thống cảnh báo sớm. Tài liệu né tránh không nói về lực lượng hạt nhân đã bắt đầu hình thành của Trung Quốc, gắn với việc triển khai các tên lửa đạn đạo DF-5 có nhiều đầu đạn phân tách độc lập và sự xuất hiện ở Trung Quốc những tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân đầu tiên sẵn sàng chiến đấu.
Nhìn chung, việc công bố chiến lược là phản ứng trước những thách thức mới với an ninh của Trung Quốc, kể cả trong các lĩnh vực như vũ trụ và không gian mạng, cũng như phản ứng với những gì xảy ra trong những năm gần đây — đột ngột mở rộng đáng kể lĩnh vực lợi ích chính trị và kinh tế quốc dân. Đó là một phần trong tiến trình biến chuyển chung của chính sách mà Trung Quốc thi hành, dẫn đến sự thay đổi Trung Quốc thành một cường quốc thế giới có khả năng đảm nhận vai trò hàng đầu trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế.
Ngay sau khi công bố "Sách Trắng", trong mạng Internet liền xuất hiện ý kiến bình luận cho rằng Trung Quốc có vẻ đang chuẩn bị cho Thế chiến III. Tuy nhiên, một chuyên viên khoa học chính trị nổi tiếng của Nhật Bản là Giáo sư Nobuo Shimotomai từ Đại học Tổng hợp Hosei, lại tiếp nhận "Sách Trắng" kế tiếp của Trung Quốc với thái độ khá điềm tĩnh.
"Trung Quốc đã trở thành cường quốc vĩ đại và theo tôi hiểu, Bắc Kinh muốn cùng lúc được coi là một cường quốc hàng hải vĩ đại. Và họ chọn lối tiếp cận phù hợp dành cho chiến lược biển khơi. Vì thế, tôi nghĩ sẽ phát sinh vấn đề trong quan hệ của Trung Quốc với Nhật Bản và Hoa Kỳ, những nước cũng coi trọng tự do hàng hải. Mà vấn đề không chỉ với Nhật Bản và Hoa Kỳ, mà còn với cả Việt Nam, Philippines và Australia, các quốc gia có thể bày tỏ mối quan ngại trước chính sách của Trung Quốc và đòi hỏi tự do hàng hải trên Biển Đông. Điều đó chắc là có thể tạo ra tình huống đáng lo ngại".
Tuy nhiên, rõ ràng chỉ có một phương cách duy nhất để xóa bỏ những lo âu này — đó là thương lượng với Trung Quốc. Những cố gắng đáp lại học thuyết quân sự mới của Bắc Kinh bằng cách gia tăng khả năng quân sự của các nước láng giềng với Trung Quốc sẽ chỉ dẫn đến thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang không tốt đẹp cho một ai.