Trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình "Nước Nga 24" trong chương trình “Tổng quan thế giới”, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov lưu ý rằng, điều quan trọng nhất đối với nước Nga là đảm bảo sự thỏa thuận của tất cả các bên về thực tế rằng, hiện nay các vấn đề quốc tế không thể được giải quyết chỉ bằng nỗ lực của một hoặc hai nước.
Cần phải dựa vào nguyên tắc hành động tập thể. Không được xuất phát từ quan điểm cho rằng, trong một số vấn đề Hoa Kỳ sẽ thể hiện thiện ý mời Nga hợp tác, còn trong những trường hợp khác sẽ coi mình có quyền "trừng phạt" Nga, như họ nói. Chúng ta sẽ đồng ý hợp tác không phải vì họ muốn giao tiếp với chúng ta chính trong lĩnh vực này hay lĩnh vực khác, mà bởi vì chính những lĩnh vực tiếp xúc cụ thể đó đáp ứng lợi ích của chúng ta và liên quan đến các vấn đề tạo ra những rủi ro cho Liên bang Nga.
Ông Lavrov nhấn mạnh, Nga đã không cắt đứt hợp tác với Hoa Kỳ. Trên thực tế, chuyến thăm Sochi của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho thấy rằng, Washington nhận thức được rằng, Mỹ và Nga cần phải thiết lập đối thoại. Ngoài vấn đề Ukraina, chúng tôi đã thảo luận về cách tiếp cận vấn đề Syria, tình hình ở Yemen, tình hình trong quá trình giải quyết vấn đề Palestine-Israel, trong chương trình nghị sự có nhiều vấn đề. Chúng ta cần phải thấy rõ kẻ thù chung và mối nguy cơ đe dọa các nước, chứ không phải vì lợi ích nhất thời theo sở thích riêng đối tác với chế độ này hay chế độ khác ở quốc gia này hay quốc gia khác.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh rằng, Liên Hợp Quốc là một tổ chức độc đáo, các thành viên của nó là gần như tất cả các quốc gia trên hành tinh. Hầu như tất cả các nước đều ủng hộ Hiến chương Liên Hợp Quốc, các nguyên tắc của nó – các quốc gia chủ quyền có quyền bình đẳng, các cuộc tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của các quốc gia, tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc — tất cả các nguyên tắc đó vẫn mang tính cấp bách. Chỉ đơn giản không nên giải thích những nguyên tắc đó theo sở thích riêng, bởi vì chỉ có toàn bộ các nguyên tắc đó mới có thể hoạt động hiệu quả. Liên Hợp Quốc có thể đạt thỏa thuận về mọi vấn đề, điều quan trọng nhất là, sau đó cần phải tôn trọng các thỏa thuận đó. Theo ông Lavrov, nhược điểm chính của Liên Hợp Quốc là trong thành phần Hội đồng Bảo an thiếu đại diện của các nước đang phát triển hàng đầu. Nga đã và sẽ ủng hộ đơn xin gia nhập Hội đồng Bảo an của Ấn Độ và Brazil, để hai nước này được bầu làm thành viên thường trực hay không thường trực. Theo ông Lavrov, Đức cũng là một ứng viên xứng đáng. Ông cũng lưu ý rằng, Nga hiểu đúng ý muốn của nước bạn — Nhật Bản – trở thành thành viên Hội đồng Bảo an, và sẵn sàng nói chuyện với họ về nội dung này. Tuy nhiên, Nga hy vọng rằng, tất cả các thành viên mới trong Hội đồng Bảo an sẽ hoạt động độc lập và sẽ đưa ra quyết định trên cơ sở lợi ích quốc gia của mình, chứ không phải để bằng mọi cách hư hỏng hoặc cải thiện mối quan hệ với nước khác.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga cũng cho biết rằng, trở ngại chính trong quá trình thực hiện Hiệp định Minsk về Ukraina là chính quyền Ukraina. Theo quan điểm của phương Tây, nếu các thỏa thuận Minsk được thực hiện thì họ sẽ gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống lại nước Nga. Có vẻ như chỉ có nước Nga ký vào thỏa thuận Minsk và chỉ có Nga phải thực hiện các thỏa thuận đó. Ông Lavrov nhấn mạnh, trên thực tế không phải vậy. Khi chúng tôi hỏi các đối tác phương Tây, họ sẽ phản ứng như thế nào trước những trường hợp mới Kiev không thực hiện cam kết của mình, đặc biệt khi có các bằng chứng cụ thể, thì họ im lặng. Ông Lavrov gọi Tổng thống Poroshenko là đối tác của Nga trong cuộc đàm phán về Ukraina. Ông Poroshenko duy trì liên lạc với chúng tôi, và chúng tôi thấy rằng, ông muốn thực hiện các thỏa thuận. Có lẽ, ở Kiev, ông phải chú ý đến sự hiện diện của "phái chủ chiến", ít nhất khi phát biểu công khai và trong các hành động cụ thể. Ở Ukraina thường xuyên vang lên những lời tuyên bố hiếu chiến chống lại Nga, chống lại Donetsk và Lugansk. Ông Lavrov nhận xét, với cách tiếp cận này, tôi rất bi quan về khả năng của chính quyền Kiev thực hiện các thỏa thuận mang chữ ký của Tổng thống Poroshenko, mà các thỏa thuận đó đã đạt được với sự hỗ trợ của Nga, Đức, Pháp, với sự hỗ trợ của OSCE và Hoa Kỳ. Bởi vì khi ở thăm Sochi, ông John Kerry đã nói rõ ràng: cần phải thực hiện nghiêm ngặt tất cả các khía cạnh của thỏa thuận Minsk. Chúng tôi đã nhất trí về cách tiếp cận vấn đề đó: có chú ý đến ảnh hưởng lớn của Mỹ ở Kiev, Hoa Kỳ sẽ sử dụng ảnh hưởng đó để khuyến khích phía Ukraina thực hiện các thỏa thuận Minsk. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DNR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LNR). Trên thực tế, DNR và LNR đã ký kết Hiệp định Minsk, và đã nói rằng, họ sẽ nằm trong thành phần Ukraina nếu các thỏa thuận được thực hiện, mà đó là kết quả công việc to lớn mà Matxcơva đã thực hiện với hai nước cộng hòa. Nếu không, thì Donetsk và Lugansk đã tuyên bố độc lập từ lâu.