Điều này đã được các chuyên gia nghiên cứu kỹ lưỡng trong quá trình đàm phán.
Tuy nhiên, ngoài ý nghĩa kinh tế hiệp định còn đem lại những hiệu quả chính trị hay đúng hơn là địa chính trị. Phương diện này được Giáo sư Evgeny Kanaev Trường đại học Kinh tế (HSE), chuyên gia Trung tâm ASEAN Đại học MGIMO đề cập phân tích trong hội thảo "bàn tròn" về FTA diễn ra gần đây tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông Viện hàn lâm Khoa học Nga. Hiệp định FTA mang lại điều gì cho Nga xét từ quan điểm địa chính trị?
"Nga đã có bước hành động giá trị trong việc thực hiện các mục tiêu địa chính trị quan trọng nhất: hội nhập theo hai hướng châu Á-Thái Bình Dương và khu vực Á-Âu. Đa số hiểu rằng, quan hệ Nga-phương Tây trong 5 đến 7 năm, thậm chí 10 năm tới sẽ phát triển với kịch bản tiêu cực, không phụ thuộc ai ở trong chính quyền Washington. Vì vậy, đối với Nga điều quan trọng là phải siết chặt hai vectơ chính sách đối ngoại hướng Thái Bình Dương và khu vực Á-Âu. Điểm thứ hai, đa dạng hóa các tiềm lực chính trị và kinh tế của đất nước. Bằng hiệp định FTA vừa ký kết, chúng tôi chứng tỏ với các bạn Trung Quốc rằng chuyển biến về phía Đông không có nghĩa chỉ hướng tới Trung Quốc. Chất liệu của sự hợp tác Nga-Việt đang trở nên bền vững, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước chứa đựng những nội dung thiết thực. Tạo ra tiền đề cho việc bắc cây cầu FTA với ASEAN, tiếp đến mở rộng hơn nữa Quan hệ đối tác kinh tế khu vực toàn diện đang được triển khai."
Hiệp định FTA có ý nghĩa địa chính trị như thế nào đối với Việt Nam? Giáo sư Evgeny Kanaev đã trả lời câu hỏi này:
"Việt Nam chứng tỏ mình là một thành viên tích cực trong các quan hệ hợp tác đa phương cấp khu vực và toàn cầu. Hiệp hội ASEAN mà Việt Nam là một thành viên quan trọng đang phấn đấu trở thành nền kinh tế đứng thứ tư thế giới, tăng cường ảnh hưởng tới các quá trình chính trị, kinh tế toàn cầu. Xét từ đó sẽ thấy Việt Nam thực hiện một bước làm thiết thực củng cố cho chính sách chung của ASEAN, thúc đẩy uy tín của Việt Nam tại Hiệp hội cũng như trong các định dạng khác. Việt Nam là thành viên Hiệp định Tự do Nam Á CAFTA, tham gia đàm phán về TPP, việc ký Hiệp định FTA với EAEC đáp ứng đường lối của Việt Nam về cân bằng quan hệ đối ngoại và ngoại thương."
Ngoài những lợi ích cho cả hai bên, theo chuyên gia Kanaev Hiệp định khu vực thương mại tự do sẽ kéo theo sự tăng cường vị thế của tập thể "không phương Tây", nghĩa là nhóm các quốc gia kiềm chế trò tẩy chay Nga sau sự kiện Crưm. Thỏa thuận cũng đáng được đánh giá trong bối cảnh những sự kiện gần đây như việc thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á, Ngân hàng Phát triển BRICS và các dự án lớn khác, thể hiện tăng trưởng xu hướng khu vực hóa. Cuối cùng, Hiệp định sẽ góp phần cho sự hình thành thế giới Âu-Á đoàn kết trong đó có các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, khu vực đang và sẽ là một kỳ thủ trên bàn cờ thế giới.