Theo ông Putin, nước Nga tránh được cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc vào cuối năm ngoái mà nhiều ý kiến từng dự đoán. "Mặc dù đất nước bị hạn chế trong việc tiếp cận thị trường vốn thế giới, bất chấp sự giảm giá các sản phẩm xuất khẩu chính của chúng tôi, — người đứng đầu nhà nước Nga cho biết, — chúng tôi đã ổn định được tình hình, tiếp tục tự tin vượt giai đoạn khó khăn." Tổng thống lưu ý rằng, "…nền kinh tế Nga đã tích lũy đáng kể dự trữ nội lực, duy trì cán cân thương mại tích cực, tăng trưởng xuất khẩu phi nguyên liệu. Tỷ giá được ổn định, nhu cầu tiêu dùng trong nước bắt đầu phục hồi."
Ông Putin đã nhấn mạnh rằng, đáp lại những hạn chế của phương Tây Nga không đóng cửa thị trường, trái lại mở rộng tự do kinh doanh. Đặc biệt, tích cực phát triển các chương trình thay thế nhập khẩu. Mục tiêu không chỉ nhằm sản xuất sản phẩm cạnh tranh có chất lượng, mà "…sử dụng toàn diện và hiệu quả hơn tiềm năng, nội lực để đáp ứng những nhiệm vụ phát triển."
Cũng trong khi ấy, nước Nga mở cửa cho vốn đầu tư. "Lập trường của chúng tôi là tạo điều kiện tự do, dễ dự đoán, thuận lợi tối đa và mọi cơ hội cho giới đầu tư, để việc bỏ vốn vào Nga thật lợi nhuận," — người đứng đầu nhà nước nhấn mạnh. Ông bày tỏ thiện chí áp dụng chế độ thuế và ưu đãi đặc biệt đối với các xí nghiệp được tái lập. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ LB Nga cùng với cộng đồng doanh nghiệp thảo luận các đề xuất chuyển giao công nghệ của nước ngoài, sử dụng hiệu quả hơn nữa nguồn vốn đầu tư trong nền kinh tế Nga.
Về các quan hệ kinh tế đối ngoại, ông Putin tuyên bố: "… có tiềm năng lớn trong đối tác thương mại và kinh tế với các quốc gia Mỹ Latinh, các nước BRICS. Hội nghị thượng đỉnh sắp tới của tổ chức này ở Nga vào đầu tháng Bảy chắc chắn sẽ góp phần mở rộng các mối liên lạc kinh doanh của chúng tôi." Nhưng sự tương tác tích cực với các trung tâm tăng trưởng mới của thế giới không đồng nghĩa với việc Nga từ chối đối thoại cùng đối tác truyền thống ở phương Tây.
Tổng thống Putin đã đặc biệt đề cập tới triển vọng quan hệ kinh tế với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thực tế ngày nay là "… Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN hiện tạo nên một phần tư nền kinh tế thế giới. Trong thập kỷ tới, những thị trường này sẽ là nguồn tăng trưởng chính cho nhu cầu hàng hóa và dịch vụ toàn cầu. Dưới những dao động diễn ra trên thế giới, trong chính trị, kinh tế, xu hướng này là không thể tránh khỏi," – ông Putin nhận định. Xuất phát từ đó, "…sự tăng cường quan hệ đối tác với các nước châu Á-Thái Bình Dương là một phần quan trọng trong công việc của chúng tôi. Đặc biệt, điều này liên quan tới sự nghiệp phát triển vùng Viễn Đông Nga. Nơi đây, chúng tôi tạo ra những điều kiện tự do và thuận lợi nhất để bố trí vốn và sản xuất," — Tổng thống Nga cho biết.
Theo ông Putin, một sự kiện quan trọng của sự phát triển hợp tác kinh tế với châu Á-Thái Bình Dương sẽ là Diễn đàn Kinh tế phương Đông đầu tiên được dự định tổ chức tại Vladivostok vào tháng Chín năm 2015. Tại đây, nước Nga sẽ trình bày chi tiết các đề xuất mới với giới đầu tư châu Á.
Kết thúc phát biểu tại cuộc họp toàn thể diễn đàn SPIEF, ông Putin cho biết: "Chúng tôi nỗ lực hợp tác với tất cả những ai sẵn sàng làm việc trong điều kiện bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, những ai quan tâm thực hiện các dự án cùng có lợi. Nước Nga cởi mở với thế giới để hợp tác cả về kinh tế lẫn khoa học, nhân đạo, quan hệ cởi mở với các đại diện xã hội và cộng đồng doanh nghiệp trên toàn thế giới… Cuộc đối thoại như vậy đáp ứng những lợi ích chung, góp phần duy trì lòng tin và là cơ sở cho sự nghiệp chung.”