Cơ hội chót hoàn nợ trước 22h00 (GMT). Đất nước có nguy cơ phá sản nếu chính phủ Hy Lạp và bộ ba chủ nợ không đạt được thỏa hiệp. Tại Hy Lạp vào ngày 5 tháng 7 dự kiến tổ chức cuộc trưng cầu ý dân do Thủ tướng Alexis Tsipras công bố nhằm tham khảo ý kiến cử tri về chính sách kinh tế thắt lưng buộc bụng do các chủ nợ đề xuất. Trong số các điều kiện tiếp tục cho vay có nâng độ tuổi nghỉ hưu trong nước lên 67 năm, ngừng các khoản trợ cấp bổ sung cho người nghỉ hưu có thu nhập thấp, bãi bỏ đặc quyền thuế GTGT của các đảo Hy Lạp và nâng mức thuế đánh vào doanh nghiệp.
Thủ tướng Tsipras kêu gọi người dân tham gia cuộc trưng cầu bày tỏ sự phản bác đề nghị của các chủ nợ quốc tế. Theo ông, việc đa số cử tri bỏ phiếu chống lại biện pháp kinh tế thắt lưng buộc bụng sẽ hỗ trợ Athens đạt thỏa hiệp trong các cuộc đàm phán với EU, IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu. Trong khi đó, bình luận về cuộc trưng cầu ý dân sắp tới ở Hy Lạp, người đứng đầu Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã thúc giục người Hy Lạp không hành động "tự sát" và bỏ phiếu chấp nhận điều kiện của chủ nợ để có thể gia hạn viện trợ tài chính cho Athens. Nhà báo Hy Lạp độc lập Vasso Polihronopulo đã bình luận như sau về tình hình:
"Chúng tôi không thể đồng ý với điều kiện của "bộ ba". Các đối tác châu Âu yêu cầu chúng tôi đẩy thuế GTGT lên mức 23%, trong khi thuế GTGT của các đối thủ cạnh tranh là 10%. "Bộ ba" muốn chúng tôi tự sát kinh tế, không những thế vào đúng giữa mùa du lịch. Đây là lĩnh vực duy nhất có việc cho người dân của quốc gia hàng triệu người thất nghiệp. Rõ là một trò chơi chính trị. Họ không yêu thích gì chính phủ Hy Lạp. Họ đã không hành xử như thể với chính phủ bất kỳ quốc gia nào khác. Tuy nhiên, nhiều người Hy Lạp tin rằng chí ít chính phủ này đang bảo vệ lợi ích của nhân dân. Những nội các trước đó thậm chí đã không thử hành động. Chúng tôi không muốn rời khỏi Liên minh châu Âu, nhưng chúng tôi cũng không muốn một châu Âu thiếu bình đẳng. Đó không còn là liên minh, khi ý kiến các đối tác mạnh có ý nghĩa lớn hơn ý kiến của các nước yếu… "
Bỏ phiếu trưng cầu đối với phần lớn người Hy Lạp là sự tiến thoái lưỡng nan. Không ai muốn thắt lưng buộc bụng chặt hơn nữa. Nhưng đồng thời, phá sản và bắt buộc rút khỏi khu vực đồng euro là điều làm nhiều người quan ngại. Hy Lạp đã quyết định đóng cửa các ngân hàng, áp đặt kiểm soát vốn, cấm các thanh toán quốc tế trực tuyến — tất cả nhằm ngăn chặn dòng tiền rời khỏi nước này. Lượng tiền được phép rút hàng ngày từ các máy rút tiền không quá 60 euro. Nhiều người không có gì để rút cũng như chẳng còn gì để mất. Ông Alexis Tsipras cũng vậy. Thủ tướng đã cho biết nếu người dân bỏ phiếu ủng hộ điều kiện của các chủ nợ, ông và nội các sẽ từ chức.