Việc học tiếng Việt thực hành tại Nga đã bắt đầu từ những năm 50 sau khi Liên Xô và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thiết lập quan hệ ngoại giao. Vào năm 1951 – 1952 những chuyên gia đầu tiên nghiên cứu về đất nước xa xôi và chưa nhiều người biết đến này được đào tạo tại Khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva (MGU), Viện nghiên cứu phương Đông học, Trường Ngoại giao, sau này là Học viện Ngoại giao. Còn việc nghiên cứu tiếng Việt đã bắt đầu vào năm 1958 khi mà tại Viện Phương Đông học Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô thành lập ban ngôn ngữ Nam Trung và Đông Nam Á. Điển hình lúc đó tại đất nước chúng tôi đã bắt đầu những công việc nguyên cứu đầu tiên về lịch sử, địa lý và các lĩnh vực khác về Việt Nam.
Nhưng nhà Việt Nam học nổi tiếng người Nga Anatoly Sokolov, người chúng ta luôn biết ơn vì đã có công mở những trang mới trong mối quan hệ lịch sử Nga-Việt, đã tìm ra những thông tin mới. Ông cho rằng, ở Liên Xô tiếng Việt bắt đầu được nghiên cứu trước thời gian đó 20 năm– tức là vào đầu những năm 30.
Thời gian đó, tại Leningrad đã bắt đầu những hoạt động nghiên cứu ngôn ngữ tiếng Việt, khi đó gọi là tiếng An – Nam. Tác giả công tác nghiên cứu khoa học đầu tiên là ông U.K.Schusky, người thông thạo nhiều thứ tiếng phương Đông, dịch giả nổi tiếng sang tiếng Nga tác phẩm kinh điển Trung Quốc “Kinh dịch”. Từ năm 1931 đến 1936 ông bắt đầu một số công việc liên quan đến tiếng Việt và soạn thảo giáo trình.
Việc nghiên cứu Đông Dương tại Viện phương Đông Leningrad được cho là bắt đầu từ năm 1931. Khóa đầu của Khoa Chính trị-Xã hội đã có 4 sinh viên theo học ngành phương Đông. Sau thất bại của phong trào đấu tranh của lực lượng công nhân và nông dân ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, việc đào tạo các chuyên gia nghiên cứu đất nước thuộc địa này mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Các chuyên gia được đào tạo tại Trường Đại học Cộng sản Lao động phương Đông và các trường khác trong nước. Những lớp học nghiên cứu Đông Dương của Viện phương Đông Leningrad đã thu hút nhiều sinh viên và nghiên cứu sinh.Vì một số lý do của trường, chỉ có một khóa chuyên gia về Đông Dương được đào tạo thành công, và sau đó họ làm việc tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa.
Việc phục hồi ngành Việt Nam học như một môn khoa học tại thủ đô phía bắc, cách gọi Leningrad, bắt đầu vào năm 1955 tại khoa phương Đông Trường Đại học Quốc gia Leningrad. Trong lớp học tiếng Việt tổng cộng 4 người. Hai người trong số họ về sau rất nổi tiếng ở Việt Nam. Inessa Zimonina – nữ phiên dịch sáng giá văn học Việt Nam – và Valery Panfilov, nhà ngôn ngữ học và nhà giáo đã đào tạo nhiều nhà Việt Nam học nổi tiếng. Đầu tiên dậy tiếng Việt cho họ là nhà ngôn ngữ học Andreev (người tự học tiếng Việt), sau đó là nhà khoa học nổi tiếng từ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn.