Công cụ tài chính phong phú của AIIB sẽ cho phép Nga thu hút vốn dưới các hình thức ưu tiên và có lợi nhất tại mỗi cơ sở hạ tầng.
Ông Ivan Tonkikh, Vụ trưởng Vụ thu hút đầu tư trực tiếp, hỗ trợ xuất khẩu và hoạt động ngoại thương thuộc Bộ Phát triển phía Đông Nga đã cho biết ý kiến như sau:
“Bởi nhiệm vụ của ngân hàng là phát triển cơ chế huy động nguồn vốn "dài hạn" vào các dự án hạ tầng qui mô lớn, nên Nga có lợi ích tối đa ở đây. Cơ sở hạ tầng là yếu tố duy nhất hiện kìm hãm sự tăng tốc phát triển và hội nhập của vùng Viễn Đông vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cần đầu tư phát triển cơ sở cảng, các cửa khẩu vận tải, hệ thống đường sắt và đường bộ, cảng hàng không. Thực tế Nga trở thành cổ đông của ngân hàng là yếu tố đảm bảo cho việc thu hút vốn. Nga hiện nay tìm kiếm nguồn tài trợ cho các dự án quy mô lớn mà không cần đến phương Tây. Trong khi đó, Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, các nước châu Á-Thái Bình Dương đang tích cực hướng tới Nga. Bất chấp biện pháp trừng phạt, trong nguồn vốn và nền kinh tế vùng Viễn Đông Nga vẫn có sự hiện diện của Nhật Bản và Canada. Úc cũng cố gắng để không bị tụt lại trong quá trình này.”
“Ví dụ, dự án cảng tự do. Đó là 15 đô thị của Vùng Primorsky với tham vọng trở thành mặt bằng hạ tầng hội nhập không chỉ của riêng Viễn Đông Nga, mà cả Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên. Nghĩa là tạo ra một trung tâm hậu cần khổng lồ với nguồn vốn chính là AIIB.”
Với nguồn vốn khổng lồ châu Á nhận thức rằng, không có Nga sẽ khó thúc đẩy hơn nữa sự hội nhập giữa các nước phương Tây và châu Á-Thái Bình Dương. Trong mọi điều kiện, chỉ thực sự có lợi khi xây dựng nền kinh tế toàn cầu qua Nga. Ngày nay, các nước phát triển cũng như đang phát triển đều tham gia cạnh tranh giành thị trường hoặc nguồn tài nguyên nhân lực để giải quyết trước hết các nhiệm vụ hậu cần. Nhưng phương Tây đang tự tách mình ra khỏi quá trình này và điều này không thể đem lại lợi ích cho nền kinh tế. Sẽ tới lúc châu Âu muốn bỏ vốn vào Viễn Đông Nga. Nhưng khi ấy, không ai chắc là còn có nhiều điều kiện đầu tư thuận lợi.