Đây là tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov. Hội nghị cấp cao Đông Á và các diễn đàn khác nhau của ASEAN sẽ được tổ chức tại Kuala Lumpur vào những ngày 5-6 tháng 8. Đại diện cho Nga tại Hội nghị sẽ là Ngoại trưởng Sergei Lavrov.
Nhà ngoại giao Nga nhận định rằng, theo quan điểm của Nga và Trung Quốc, cần phải gia tăng nỗ lực chung ở châu Á để đảm bảo an ninh bất khả phân chia. Ông nói rằng, Matxcơva và Bắc Kinh đã tranh thủ được sự hỗ trợ của một số đối tác ASEAN về vấn đề này. Nội dung chính của của sáng kiến này là ở chỗ: không được để ở châu Á xuất hiện tình huống kiểu như ở châu Âu, khi kiến trúc an ninh nội địa bất khả phân chia được thay thế bằng hệ thống an ninh của một liên minh quân sự — NATO. Người dân châu Âu được đề nghị coi NATO là người bảo lãnh an ninh khu vực. Trong khi đó, các quốc gia không phải là thành viên NATO không thể tham gia hệ thống an ninh và không có quyền biểu quyết về nội dung này.
Theo sáng kiến chung của Matxcơva và Bắc Kinh, phải làm thế nào để châu Á không lặp lại những sai lầm của châu Âu. Trong cuộc đàm đạo với phóng viên đài Sputnik, ông Victor Sumsky, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Đại học Quốc gia Quan hệ Quốc tế (MGIMO) cho biết:
"Sáng kiến chung của Trung Quốc và Nga là một bước tiến mạnh mẽ. Sáng kiến này khác với những đề xuất trước đây, khi Nga đã đề nghị thành lập một hệ thống an ninh tập thể ở châu Á, và Trung Quốc đã ủng hộ sáng kiến này. Lần này, đây là sáng kiến chung của Nga vàTrung Quốc, hai nước đề nghị tạo ra cấu trúc an ninh không thuộc khối. Theo đề xuất này, nên tránh tình huống khi người bảo lãnh an ninh ở châu Á là những liên minh song phương của Mỹ với một số nước trong khu vực, hoặc một cơ chế mới nào đó, còn những nước khác thì không tham gia giải quyết vấn đề. Nhưng, mặt khác, nếu hai cường quốc như Nga và Trung Quốc không tham gia cấu trúc an ninh ở châu Á thì, tất nhiên, cấu trúc này không thể được gọi hệ thống kiểm soát an ninh khu vực, dù nó có thể có những hình thức khác nhau".
Như dự định, một trong những nội dung "nóng hổi nhất" tại Diễn đàn ASEAN cấp Bộ trưởng sẽ là hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Chắc là một số đại biểu sẽ áp dụng nỗ lực mới để Hội nghị thông qua một tuyên bố đặc biệt, hoặc để trong bản tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao ASEAN có đoạn lên án hành động của Bắc Kinh xây đảo nhân tạo ở vùng biển tranh chấp — quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Sau đây là ý kiến của chuyên gia Dmitry Mosyakov, Viện Nghiên cứu phương Đông:
"Tất nhiên, hành động này của Trung Quốc trước hết gây phản đối của các quốc gia sát gần hai quần đảo này, đó là Philippines và Việt Nam. Đồng thời, các nước ASEAN khác ít quan tâm đến tình hình ở Biển Đông. Họ quan tâm nhiều hơn đến các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, muốn mở rộng khu vực thương mại tự do. Tất cả điều này tạo ra nguy cơ tiềm năng ASEAN có thể bị chia rẽ do vấn đề này. Về nguyên tắc, sự phân chia đã xuất hiện trước đây, kể từ Hội nghị thượng đỉnh ở Campuchia vào năm 2012. Khi đó, lần đầu tiên trong lịch sử ASEAN, các đại biểu không thông qua bất kỳ tuyên bố chung về kết quả hội nghị thượng đỉnh. Hai tuần sau, mới có thể thông qua một văn kiện chung. Mọi người đã cáo buộc nước chủ nhà, dường như Campuchia không chuẩn bị một dự thảo văn bản. Nhưng, trên thực tế, vấn đề chính là tranh chấp ở Biển Đông, và ảnh hưởng của yếu tế này đến quan hệ tương lai với Trung Quốc".
Các nhà phân tích không loại trừ rằng, Washington đang bí mật gây áp lực với một số nước ASEAN để thiết lập tại Kuala Lumpur một mặt trận thống nhất chống Trung Quốc trong vấn đề lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông. Trước hết, có thể nói về "áp lực" của Mỹ với Singapore, Indonesia, Malaysia, Campuchia và Myanmar. Các nước này đang cố gắng tránh xa những lời phê phán tố cáo gay gắt của Philippines và Việt Nam nhằm vào Trung Quốc.