Trong số các thành viên tương lai của TPP có Việt Nam.
Báo «New York Times» trong một bài viết về đề tài TTP đã nhận xét rằng vòng đàm phán chưa đạt kết quả cho thấy những khó khăn của việc lập ra một cơ cấu với nhiều nước có hệ thống chính trị khác biệt tham gia, cho dù New Zealand, Malaysia và Việt Nam "đã nhượng bộ rất nhiều".
Nhà báo Đan Thi của đài Sputnik đã đàm đạo về nội dung này với chuyên viên nghiên cứu quan hệ quốc tế của Việt Nam, Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), PGS-TS Phạm Quang Minh. Sau đây là ý kiến nhận xét của PGS-TS Phạm Quang Minh.
"Quả thực là như vậy. Trong hàng loạt lĩnh vực quan trọng, Việt Nam đã phải chấp nhận nhượng bộ có lợi cho các công ty Mỹ. Ví dụ, trong ngành công nghiệp dệt-may, mà sản phẩm vốn là thành phần quan trọng của xuất khẩu Việt Nam, thì thỏa thuận về TPP ràng buộc các nhà sản xuất chỉ được mua nguyên vật liệu từ các nước thành viên tham gia hiệp định này. Tại Mỹ, nguồn cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp dệt-may là các nhà máy ở miền nam đất nước, hiện đang lâm vào cảnh thua lỗ, sản xuất suy giảm. Việt Nam thường mua nguyên liệu ở Trung Quốc và Thái Lan, nhưng hai nước này không phải là thành viên của TPP. Sau khi gia nhập TPP, các nhà sản xuất dệt-may Việt Nam sẽ phải mua nguyên liệu ở Hoa Kỳ, bằng cách đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp Mĩ. Cũng tình trạng như vậy với mặt hàng cá tra của Việt Nam, mà rồi đây xuất khẩu từ Việt Nam sẽ chịu giới hạn thiên về có lợi cho các nhà sản xuất Mỹ, bây giờ đang ở trong tình trạng tồi tệ. Còn không ít những khía cạnh như vậy".
Nhưng dù sao chăng nữa Việt Nam vẫn coi trọng việc tham gia TPP, vì hiệp định này tạo khả năng mới mẻ, mở ra cơ hội tốt đẹp để kinh doanh Việt Nam tiến vào thị trường nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là hình thức mới của liên minh kinh tế, vượt trội hơn hẳn những gì hiện có. Việc tham gia vào TPP sẽ đảm bảo đà tăng trưởng GDP cũng như thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Bây giờ sự đi xuống trong kinh tế có thể gây những khó khăn nghiêm trọng, tiềm ẩn ảnh hưởng đến cả chính trị, do đó quyết định tham gia TPP để cải thiện tình hình một cách mạnh mẽ là động thái có ý nghĩa to lớn, — chuyên viên Việt Nam Phạm Quang Minh kết luận.