Hoa Kỳ không xin lỗi nhân dân Nhật Bản về thảm họa đó.
Theo quan điểm chính thức của Washington, các vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki đã phục vụ mục đích thúc đẩy đàm phán về sự đầu hàng của Nhật Bản để bảo vệ mạng sống của hàng chục ngàn binh sĩ Mỹ và thường dân Nhật Bản. Nhưng, một số nhà khoa học, chẳng hạn như nhà sử học Tsuyoshi Hasegawa, người Mỹ gốc Nhật Bản, cố gắng đánh giá khách quan và toàn diện hơn về vấn đề này. Người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản của Viện phương Đông thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga Valery Kistanov cho biết:
"Trong cuốn sách "Racing the Enemy" (Cuộc đua với kẻ thù) Tsuyoshi Hasegawa kết luận rằng, Nhật Bản buộc phải đầu hàng vô điều kiện và chấp nhận các điều khoản của Tuyên bố Potsdam không phải do các vụ đánh bom nguyên tử mà do việc Liên Xô tham chiến chống Nhật Bản. Tokyo đã cố gắng sử dụng Liên Xô như một bên trung gian trong cuộc đàm phán, trước hết với Hoa Kỳ, để nước Nhật có thể đầu hàng trên các điều kiện chấp nhận được. Song, sau khi Matxcơva tham chiến chống Nhật Bản, những hy vọng của Tokyo đã bị chôn vùi. Nhà khoa học Anh Kerry Chermen khẳng định rằng, mặc dù các vụ ném bom nguyên tử cướp đi sinh mạng của 140 ngàn người ở Hiroshima và 80 ngàn người ở Nagasaki, bộ chỉ huy quân đội Nhật Bản vẫn tin rằng, nước Nhật có đủ sức giáng trả cuộc xâm lược của các nước đồng minh vào lãnh thổ Nhật Bản, nếu duy trì được quyền kiểm soát Mãn Châu và Triều Tiên, vì ở đó có lực lượng tinh nhuệ của đội quân Quan Đông và có các nguồn lực cần thiết để tiếp tục cuộc chiến. Nhưng, sau khi Liên Xô tham gia vào cuộc chiến và xâm nhập vào Mãn Châu, Nhật Bản chấm dứt hy họng vào điều đó. Đối với các nhà khoa học, điều rõ ràng là hành động ném bom đã là không cần thiết về mặt quân sự. Có những dữ liệu cho thấy rằng, thậm chí một số tướng lĩnh Hoa Kỳ, ví dụ, người chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương, đã phản đối kế hoạch ném bom nguyên tử vào năm 1945. Nhưng, Tổng thống Truman và các cố vấn của ông đã thông qua một quyết định lịch sử: ném bom nguyên tử xuống các thành phố Nhật Bản.
Tổng thống Truman và các cố vấn của ông đã thông qua quyết định này không phải để buộc Nhật Bản sớm đầu hàng. Vào thời điểm đó, đã xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của "chiến tranh lạnh" giữa Mỹ và Liên Xô. Có thể giả định rằng, các quả bom nguyên tử của Mỹ bị ném xuống Hiroshima và Nagasaki vào cuối Thế chiến II, là hành động đầu tiên của Mỹ trong chiến tranh lạnh. Chuyên gia Valery Kistanov nói tiếp:
"Hoa Kỳ đã thực hiện các vụ đánh bom nguyên tử để Liên Xô nhận thức được rằng trong kho vũ khí của Hoa Kỳ xuất hiện loại vũ khí mới với sức tàn phá lớn chưa từng thấy. Một bài báo đăng tải trên tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản vào ngày 2 tháng 6 năm nay xác nhận quan điểm rằng, chính vì lý do đó ông Truman đã thông qua quyết định ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Trong một cuộc phỏng vấn dài, nhà khoa học Mỹ Kuznik nói lên ý kiến rằng, Tổng thống Truman đã có ý định chấm dứt hành động chiến sự trước khi Liên Xô tham chiến và trước khi người Nga nhận được những gì mà Hoa Kỳ đã hứa với họ tại Hội nghị Yalta. Như được biết, theo thỏa thuận đạt được tại Hội nghị Yalta, Nam Sakhalin và tất cả các đảo trong quần đảo Kuril phải được chuyển giao cho Liên Xô. Tổng thống Truman cho rằng, nếu Nhật Bản đầu hàng sớm hơn thì có thể không cần trao Nam Sakhalin và quần đảo Kuril cho Stalin. Tuy nhiên, như mọi người đều biết, ý muốn này của ông không thành hiện thực. Sau các vụ đánh bom, bộ chỉ huy quân đội Nhật Bản vẫn quyết tâm tiếp tục chiến tranh. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tham chiến, sau các hành động chiến sự tại Mãn Châu, Nhật Bản đã buộc phải đầu hàng. Cùng với thời gian, sau khi mở ra những tài liệu lưu trữ mới, quan điểm khách quan này sẽ được phổ biến rộng rãi trong công chúng. Không chỉ trong giới chuyên viên, mà còn trong dư luận xã hội của các nước khác nhau, kể cả ở Nhật Bản".
Sau chiến tranh, trên thực tế Hoa Kỳ đã chiếm đóng nước Nhật trong thời gian dài, Nhật Bản phụ thuộc vào Mỹ về mặt kinh tế. Hoa Kỳ đã soạn thảo một chương trình hỗ trợ Nhật Bản tương tự như kế hoạch Marshall để xây dựng lại Tây Âu sau chiến tranh. Phần nhiều nhờ chương trình này đã xảy ra phép lạ kinh tế của Nhật Bản. Tất nhiên, sự giúp đỡ của Washington không phải là vô tư. Hoa Kỳ muốn để Nhật Bản khôi phục nhanh chóng sau chiến tranh thế giới II và trở thành "đê chắn sóng chống cộng sản" ở châu Á. Nhật Bản đã trở thành đồng minh quân sự và chính trị quan trọng nhất của Mỹ. Trong điều kiện này, các chính trị gia của Nhật Bản và Mỹ không muốn nhắc đến thủ phạm vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Mặc dù vào ngày này tổ chức những sự kiện tưởng niệm các nạn nhân của vụ đánh bom nguyên tử, nhưng, trong tâm thức của người Nhật Bản dần dần xóa mờ ký ức về những kẻ tội phạm.