Đã có 80 nghìn và còn thêm 8 nghìn

© Flickr / Nguyen Hung VuSinh viên Việt Nam đang học tập
Sinh viên Việt Nam đang học tập - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Đài Sputnik tiếp tục chuyên mục "Nhìn lại ngày hôm qua" nói về lịch sử liên hệ và hợp tác Nga-Việt. Đội ngũ sinh viên Việt Nam tốt nghiệp các trường đại học ở Nga cũng đóng góp quan trọng vào sự phát triển mối quan hệ này.

Nhóm 21 người Việt Nam đầu tiên đến Moskva theo hệ giáo dục đại học vào mùa hè năm 1951. Họ đã ghi danh vào các trường Thép và hợp kim, Kỹ thuật xây dựng, Công nghệ hóa, Tài chính, Y tế và trường cao đẳng Chế tạo máy. Họ hoàn thành khóa học và trở về khi đất nước đã được giải phóng khỏi ách thực dân Pháp. Sau này, bốn người trong nhóm trở thành các bộ trưởng, năm người đảm nhiệm vị trí thứ trưởng. Các ông Phạm Đồng Điện và Nguyễn Đức Thừa từng làm Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, cơ sở giáo dục được xây dựng với sự giúp đỡ của Liên Xô. Ông Hoàng Bình được bổ nhiệm làm kỹ sư trưởng Nhà máy Cơ khí Hà Nội – đứa con đầu lòng của ngành công nghiệp Việt Nam cũng do Liên Xô hỗ trợ gây dựng. Ông Lê Văn Chiểu sau này là Thiếu tướng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Các ông Nguyễn Trinh Cơ, Nguyễn Sỹ Quốc, Huỳnh Quý Đại, Ngô Huy Quỳnh, Lê Duy Thước trở thành những giáo sư, chuyên gia hàng đầu trong các ngành y học, kiến trúc và nông nghiệp.

Tiếng Việt - Sputnik Việt Nam
Ai là người đầu tiên ở Nga viết sách dạy tiếng Việt?
Nhóm sinh viên Việt Nam thứ hai đến Moskva vào năm 1953, lần này đã có 49 người. Họ được chia vào các trường đại học thuộc 5 ngành: năng lượng, giao thông thủy, y học, luyện kim, nông nghiệp. Và kể từ đó, hàng năm các trường đại học của Nga tiếp nhận đều đặn thanh niên Việt Nam.

Đã có hàng chục cơ sở giáo dục đại học ở Moskva, St. Petersburg và nhiều thành phố khác của Nga được nhà nước Việt Nam trao tặng phần thưởng. Học viện Năng lượng Moskva, cơ sở sở hữu Huân chương Hữu nghị LB Nga, năm nay được vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất của Việt Nam. Chỉ riêng ngôi trường này đã đào tạo cho Việt Nam bảy trăm kỹ sư, hơn một trăm tiến sĩ và tiến sĩ khoa học. Trở thành nhà nghiên cứu năng lượng hàng đầu của Việt Nam, GS. Trần Đình Long còn được bầu làm Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Kỹ thuật điện quốc tế. Sinh viên cũ của trường có ông Phạm Lương Tuệ — Giáo sư Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Nguyễn Hiền — cố vấn Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Việt Nam, các ông Tăng Văn Phúc và Nguyễn Minh Tôn từng làm Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Việt Nam. Tham gia đội ngũ giảng dạy của trường hôm nay còn có một người Việt là Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Quốc Sỹ, người đã được trao giải thưởng của Tổng thống Nga dành cho các nhà khoa học trẻ. Ông tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa Leningrad và bảo vệ thành công tại đây các luận án tiến sĩ và tiến sĩ khoa học. Được mời làm việc tại Đại học Năng lượng quốc gia Nga (MEI), GS. TS. Nguyễn Quốc Sỹ đang chỉ đạo Phòng thí nghiệm Vật lý Plasma tại trường và một trong những mục tiêu của ông là hỗ trợ xây dựng phòng thí nghiệm tương tự ở Việt Nam.

GS. TS. Nguyễn Quốc Sỹ



Tính từ năm 1951, các trường đại học của Liên Xô và sau đó là Nga đã đào tạo trên tám mươi ngàn chuyên gia Việt Nam, trong đó có hơn năm ngàn các tiến sĩ và tiến sĩ khoa học. Ngày nay, ở Nga rất khó tìm thấy trường đại học nào mà các sinh viên Việt Nam chưa từng ngồi nghe giảng. Tại Việt Nam, cũng không dễ nêu tên lĩnh vực nào trước kia hay hiện nay không có các chuyên gia được đào tạo tại Nga làm việc. Rất nhiều cựu sinh viên tốt nghiệp ở Nga đã trở thành những nhà tổ chức lớn trong nghiên cứu khoa học và các ngành công nghiệp. Công trình nghiên cứu của những người như các nhà vật lý Nguyễn Văn Hiếu và Nguyễn Đình Tứ, các nhà sinh học Phan Phải và Nguyễn Thị Lê, nhà toán học Phan Đình Diệu đã được thế giới đánh giá và công nhận. Phi công Phạm Tuân được đào tạo kỹ thuật bay tại Nga không chỉ trở thành người Việt Nam đầu tiên lái máy bay chiến đấu bắn hạ "pháo đài bay" Mỹ trên bầu trời Hà Nội, mà còn cùng các phi hành gia Nga thám hiểm khoảng không gian gần Trái đất. Tài nghệ của nhạc sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn được các giảng viên Nga dìu dắt đã chinh phục trái tim người hâm mộ âm nhạc thế giới. Nhà triết học Lê Văn Nhân, trong những năm học ở Nga đã say mê làm chủ ngôn ngữ và trở thành thi sĩ viết thơ bằng tiếng Nga. Nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam cũng từng tốt nghiệp các trường đại học của Nga như các ông Trần Đức Lương, Phạm Văn Khải, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Văn An.

Hôm nay, đang có khoảng tám nghìn du học sinh Việt Nam học tại các trường đại học của LB Nga.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала