Đây là cơ sở hạt nhân đầu tiên được khởi động lại sau vụ tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân "Fukushima-1", khi tất cả các lò phản ứng hạt nhân thương mại của Nhật Bản đã ngừng hoạt động và thời gian gián đoạn kéo dài gần 4 năm. Đại đa số công chúng Nhật Bản phản đối việc khởi động trở lại các lò phản ứng hạt nhân vì lo sợ rằng, một trận động đất lớn có thể dẫn đến việc lặp lại thảm kịch Fukushima. Hơn nữa, theo kết quả một cuộc khảo sát gần đây do "Bloomberg" tiến hành, bản thân việc tái khởi động nhà máy điện hạt nhân sau mấy năm gián đoạn cũng có thể gây ra những vấn đề.
Do các sự kiện xung quanh Fukushima, nhiều người đã không còn tin vào sự an toàn của điện hạt nhân. Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ rằng, vụ tai nạn tại nhà máy Fukushima sau trận động đất đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng không phải do thiếu sót của ngành năng lượng hạt nhân nói chung, mà do những thiếu sót tại cơ sở cụ thể. Nhà máy điện hạt nhân "Fukushima-1" được xây dựng theo bản thiết kế năm 1966 của Công ty Mỹ "General Electric". Ngay từ đầu bản thiết kế này không đảm bảo mức độ an toàn cao. Nhưng, ở Mỹ các chuyên gia đã hiện đại hóa hệ thống an toàn tại các trạm thuộc loại này, còn ở Nhật Bản tại trạm "Fukushima-1" các công việc hiện đại hóa đã không được thực hiện. Đây là một trong những lý do tại sao trận động đất và sóng thần dẫn đến hậu quả nặng nề — các lò phản ứng bị phá hủy và rò rỉ phóng xạ. Người dân Nhật Bản đòi phải đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân.
Tuy nhiên, vì lý do kinh tế Nhật Bản không thể từ bỏ điện hạt nhân. Chuyên gia Alexander Bolshov, Giám đốc Viện An toàn hạt nhân thuộc Viến Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết:
"Đã từ lâu Nhật Bản lập kế hoạch tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân. Sau tai nạn Fukushima, Nhật Bản đã thấy rõ rằng, hệ thống đảm bảo an toàn tại các trạm hạt nhân của họ kém an toàn, không đáp ứng các yêu cầu của IAEA và thông lệ quốc tế. Nhật Bản đã cải cách toàn bộ hệ thống: đóng cửa cơ quan quản lý cũ và tạo ra một cơ quan mới. Cơ quan mới đã thảo ra các tài liệu phù hợp với trình độ hiện tại của hệ thống an toàn. Tất cả các trạm và các công ty có ý định khởi động trở lại, đã vượt qua các đợt kiểm tra về mức độ an toàn. Sau tai nạn Fukushima, yêu cầu an toàn trở thành nghiêm ngặt hơn. Và các công ty vận hành nhà máy điện hạt nhân phải chi nhiều tiền vào việc hiện đại hóa các trạm, bổ sung các loại thiết bị khác nhau cho hệ thống an toàn và đào tạo chuyên gia. Nhờ đó, các trạm hạt nhân đang được chuẩn bị để đưa vào vận hành tại Nhật Bản là an toàn hơn nhiều so với trước khi Fukushima xảy ra. Vụ tai nạn và việc đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân đã gây ra thiệt hại khá lớn cho nền kinh tế Nhật Bản. Vì vậy, tôi rất hài lòng thấy rằng, các đồng nghiệp Nhật Bản đã vượt qua nhiều khó khăn và bắt đầu quay trở lại sản xuất điện hạt nhân. "Sendai" là trạm hạt nhân đầu tiên được khởi động lại. Còn có một vài trạm hạt nhân nữa có thể được đưa vào vận hành thời gian sắp tới. Tôi cho rằng, không phải tất cả các trạm sẽ được khởi động lại vì các quy định an toàn trở thành nghiêm ngặt hơn. Và bây giờ các tính toán kinh tế sẽ cho các chủ sở hữu trạm hạt nhân thấy rõ phương án nào sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn: việc nâng cấp nhà máy để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt hơn, hoặc đóng cửa nhà máy. Tôi hy vọng rằng, các trạm được tái khởi động sau khi nâng cấp sẽ hoạt động trong nhiều năm mà không có bất kỳ tai nạn".
Hy vọng rằng, quyết định của chính phủ Nhật Bản khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân đã được thông qua không chỉ trên cơ sở quan điểm của các nhà kinh tế về nhu cầu phát triển năng lượng hạt nhân, mà còn trên cơ sở ý kiến của các kỹ sư và các chuyên gia đảm bảo rằng, nhờ các biện pháp an toàn mới, các nhà máy sẽ hoạt động an toàn ngay cả trong điều kiện động đất cao.