Chuyên gia Andrey Ivanov Viện Nghiên cứu Quốc tế MGIMO thuộc Bộ Ngoại giao Nga đã phân tích đúng sai trong tranh cãi này.
“Xét từ quan điểm chính thức thì lẽ phải thuộc về Nga. Dù cho có ai thích hay không thích, nhưng trên thực tế quần đảo Kuril là một phần lãnh thổ LB Nga dựa theo kết quả Chiến tranh thế giới thứ II. Cũng như ví dụ, Nam Sakhalin mà Nga từng đổi lấy bằng quần đảo Kuril theo hiệp ước năm 1875, sau chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905) đã trở thành lãnh thổ của đế quốc Nhật Bản. Vì Nhật Bản chưa bao giờ lên tiếng phản đối kết quả chung của Chiến tranh thế giới II, thái độ không thừa nhận những quyết định của thế giới về Nam Kurile dường như thật kỳ cục và thiếu logic.”
"Tuy nhiên, tiếp cận một cách không chính thức quan điểm các bên trong bối cảnh hiện tại, chúng ta có thể phát hiện vài điểm logic trong những tuyên bố của phía Nhật Bản. Quả là, nếu muốn chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Putin diễn ra trong năm nay thì tại sao Nga có thể gây phức tạp cho quá trình chuẩn bị cho chuyến đi bằng động thái tạo ra không khí bất bình ở Nhật Bản? Đây không hề là câu hỏi lấy lệ và có thể được giải đáp rõ ràng."
"Như vậy cũng không có nghĩa người Nga nghi ngờ tính cần thiết của việc Tổng thống Putin thăm Nhật Bản. Đó là những biện pháp có lợi cho sự phát triển quan hệ. Tuy nhiên, làm sao để tiền đóng thuế của người dân được chi cho chuyến công tác nhà nước không bị phí phạm vô ích. Kết quả của chuyến đi phải là những ký kết thỏa thuận hứa hẹn sự thúc đẩy quan hệ Nga-Nhật Bản. Cho đến nay, hợp tác kinh tế giữa hai nước đã đem lại một số thành quả khích lệ: Nhật Bản tích cực xây dựng ở Nga các doanh nghiệp lắp ráp ô tô, sản xuất thiết bị điện tử, thuốc lá, Nga bán khí hóa lỏng cho Nhật Bản, hai bên hợp tác trong điện hạt nhân. Nhưng biện pháp trừng phạt Nga bất công mà Nhật Bản quyết định tham gia đã làm tổn thương cho hợp tác kinh tế song phương. Theo các chuyên gia Nga, thảo luận phát triển quan hệ khi các lệnh trừng phạt chưa được dỡ bỏ là điều vô nghĩa."
"Lúc này Nhật Bản đang tham gia biện pháp trừng phạt Nga, việc thảo luận số phận của Nam Kuril lại càng vô ích. Dù cho theo những tuyên bố của Thủ tướng Shinzo Abe, Tokyo hy vọng đạt được bước đột phá đáng kể trong vấn đề lãnh thổ. Không những thế, ở đây gợi cảm giác có điều gì nên cảnh giác. Tâm trạng đột phá đối thoại về Kuril của người Nhật được đưa ra vào lúc Tokyo hưởng ứng các nước phương Tây trừng phạt Nga vì chính sách đối ngoại độc lập, vì những sai lầm và tội ác mà chính phương Tây để xảy ra ở Ukraine."
"Bởi vậy, những phát ngôn của Tokyo nằng nặc đòi trả Nam Kuril được người Nga hiểu là yêu sách của nước mạnh với nước yếu, của người thắng với kẻ bại, của bề trên với cấp dưới. Điều làm cho người Nga càng tin Nhật Bản có thái độ như vậy chính là những tuyên bố từ Tokyo cảnh báo quan chức Nga không được thăm "các vùng lãnh thổ phía Bắc." Nhưng người Nga không thích khi có ai đối thoại với mình như với trẻ con hoặc bề dưới. Nếu chuyến đi Kuril của Thủ tướng Medvedev có thể được gọi là động thái "thiếu cân nhắc", thì những phản ứng hậm hực từ Tokyo lại càng thiếu khôn ngoan và khinh suất hơn."