Giới phân tích và những người tham gia thị trường không có câu trả lời nhất quán, nhưng đa số nhận định rằng thị trường đã phản ứng quá phóng đại trước tín hiệu tiêu cực từ Trung Quốc, một phần không nhỏ nguyên nhân do các nhà đầu tư không vững lòng tin các chính phủ sẽ một lần nữa dơ tay ra cứu họ.
Từ giữa tháng Sáu đến nay chỉ số chứng khoán Thượng Hải đã giảm khoảng 40% (tuy so với tháng Tám năm ngoái, giá các cổ phiếu Trung Quốc vẫn cao hơn 40%), xuất hiện những dấu hiệu suy giảm rõ rệt của nền kinh tế Trung Quốc (mặc dù chưa phải mức độ thê thảm), nhân dân tệ bị phá giá (nhưng chỉ 3-4%).
Theo nhiều nhà phân tích, những yếu tố kể trên không đủ để giải thích cho đột biến tâm lý hiện nay trên thị trường.
Bảy tuần gần đây, Trung Quốc đã bỏ ra 200 tỷ đôla hỗ trợ cổ phiếu, nhưng nhận thấy nỗ lực này vô nghĩa nên vào hôm thứ Hai Bắc Kinh đã quyết định dừng can thiệp vào thị trường, — Financial Times lưu ý.
Giá nguyên liệu và các thị trường mới nổi cũng chịu tác động mạnh từ những diễn biến trên sàn giao dịch của Trung Quốc. Một phần lý do bởi họ lệ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc. Nguyên nhân thứ hai không kém quan trọng là những lỗ hổng ngày càng lớn trên các thị trường này trước ngưỡng sự chấm dứt được dự kiến của thời đại đô la giá rẻ.
Trong khi đấy, giới phân tích cho biết, sự hoảng loạn trên các thị trường có vẻ như thái quá, nếu thực hiện so sánh những dao động chỉ số kinh tế thực tế ở các nước phát triển và khả năng suy thoái thực sự của Trung Quốc.
Có thể quan sát qua thí dụ của Mỹ và châu u. Tình hình các mức lãi suất, chỉ số tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp các nước phát triển trong tuần không cho thấy thay đổi lớn. Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng, lợi nhuận của các tập đoàn cũng tăng, hoạt động tín dụng không giảm.
Thế nhưng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, có thời điểm chỉ số Dow Jones Industrial Average đã tụt hơn 1.000 điểm, mức sụt kỷ lục trong lịch sử. Cổ phiếu một số tập đoàn khổng lồ rớt tới 20% trong phiên giao dịch.
The Wall Street Journal viết, một trong những yếu tố làm giới đầu tư đau đầu là việc các chính phủ trong vài năm qua luôn tìm cách kích thích nền kinh tế, đến thời điểm hiện tại hầu như đã cạn kiệt công cụ và không giúp đỡ được gì.
Nỗ lực của các ngân hàng trung ương cũng không dẫn đến sự tăng trưởng kinh tế vững chắc.
"Các thị trường tự lèo lái, Cục Dự trữ Liên bang đã vận dụng vũ khí của mình, — ông Ashwin Alankara từ Janus Capital Group Inc. nói với tờ báo. — Những gì mà các ngân hàng trung ương chỉ có thể làm lúc này là không thu hẹp khả năng thanh khoản của thị trường."
"Chúng ta thấy sự bán tháo vì nỗi lo sợ về tốc độ tăng trưởng toàn cầu, vì các bước tiếp theo không rõ ràng của Cục Dự trữ Liên bang," — chiến lược gia Bernd Berg của Societe Generale nói với Bloomberg.
Một loạt người tham gia hoạt động giao dịch tin rằng, qui mô biến động thị trường hôm thứ Hai là hậu quả của việc có quá nhiều thành viên thị trường đang nghỉ phép, trong tình huống này những thay đổi nhỏ nhất giữa cung và cầu cũng thậm chí có thể dẫn tới phản ứng đột biến.
"Tất cả có vẻ giống cơn kịch phát của bệnh tưởng trên thị trường chứng khoán. Căn bệnh khó khỏi hẳn, nhưng có thể thuyên giảm nhờ những bài tập thở và đi bộ dài. Mất bình tĩnh sẽ chẳng thể giúp gì," — Financial Times trích dẫn lời Erik Nielsen, nhà kinh tế trưởng của UniCredit.