Mỹ muốn áp đặt sự phân chia kiểu nào trên hành tinh chúng ta. Sau đây là bài viết của tác giả Vladimir Lepekhin.
Mấy ngày gần đây, các nhà kinh tế của Nga và nước ngoài đều chú ý theo dõi diễn biến tình hình sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, mà động thái này dẫn đến việc đồng tiền quốc gia của một số nước khác cũng mất giá, bao gồm cả Nga, Kazakhstan, Việt Nam, Malaysia. Theo quan điểm của tôi, một số đồng tiền quốc gia đã mất giá do những tính toán quy mô của Trung Quốc và những nước khác. Họ không chỉ có ý định tấn công vào đồng đô la Mỹ mà còn cần phải bảo vệ an ninh quốc gia của mình. Bởi vì, biên độ dao động của tỷ giá một số đơn vị tiền tệ đang xảy ra trong bối cảnh ở những khu vực khác nhau trên thế giới đang gia tăng các cuộc xung đột vũ trang với sự tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp của Hoa Kỳ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính gây ra sự leo thang căng thẳng trong các cuộc xung đột là ý muốn của Mỹ duy trì được vị trí độc tôn của đồng đô la với tư cách đồng tiền dự trữ thế giới, mà nhờ đó đồng đô la là một công cụ hữu hiệu để thu được siêu lợi nhuận hầu như từ không khí. Theo ý kiến của nhà phân tích Mỹ Ron Paul, "Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế, nếu quy chế hiện nay của đồng USD bị thách thức". Chính quyền Mỹ "hầu như không có công cụ nào để chống lại cuộc khủng hoảng kinh tế", đó là ý kiến của một tác giả trên tờ The Wall Street Journal. Mới đây, tờ The Washington Times đã trích dẫn câu nói của Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện ông Tom Price: "Nợ công của chúng ta đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát".
Hoa Kỳ đang áp dụng những biện pháp nào trong tình huống phức tạp? Liệu họ đang tìm cách tái cơ cấu kinh tế? Liệu Mỹ đang lập kế hoạch cắt giảm chi tiêu ngân sách và giảm thiểu các khoản nợ quốc gia? Tiếc thay, Washington chủ trương sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề.
Nếu chúng ta nhớ lại những nguyên nhân và hậu quả của hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ 20, thì sẽ thấy rõ rằng, mục tiêu chính của hai cuộc thế chiến không phải là sự xâm chiếm lãnh thổ để bắt kẻ địch làm nô lệ mà là sự thống trị trong lĩnh vực tài chính. Mỗi cuộc thế chiến đều bùng nổ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, và các nước chiến thắng vượt khỏi khủng khoảng với lợi nhuận lớn.
Theo tôi, thời điểm bắt đầu cuộc chiến tranh thế giới III là năm 2009, khi Trung Quốc đưa ra đề xuất thay thế đồng đô la Mỹ như một loại tiền tệ dự trữ trong hệ thống tài chính toàn cầu do Quỹ Tiền tệ Quốc tế kiểm soát. Trong bối cảnh đó đã trở nên rõ ràng hai bên đối đầu trong cuộc chiến tranh thế giới tương lai: một bên là Mỹ và các nước chư hầu của họ (chủ yếu là EU), bên khác là Trung Quốc và các đồng minh của họ (kể cả Nga). Như vậy, kết quả của thế chiến thứ ba sẽ là không chỉ sự phân chia lại các thị trường toàn cầu, mà còn việc thay đổi quy chế của các đồng tiền thế giới.
Tôi cho rằng, Hoa Kỳ, với tư cách nhạc trưởng chính trong cuộc đối đầu toàn cầu mới, đã bỏ lỡ hai xu hướng cơ bản. Xu hướng thứ nhất: Mỹ đã coi thường xu hướng hình thành hệ thống tài chính toàn cầu (mạng lưới các ngân hàng đa quốc gia) như một lực lượng độc lập có ý định kiểm soát bất kỳ loại tiền tệ thế giới và các máy in tiền, và ít quan tâm đến việc hỗ trợ nền kinh tế Mỹ đang "sống ký sinh". Và thứ hai, giới thượng lưu Hoa Kỳ đã bỏ lỡ xu hướng tăng trưởng kinh tế và chính trị của các cường quốc thế giới mới như Trung Quốc và có lẽ cả Ấn Độ.
Kết quả là, Mỹ không có khả năng tiếp tục kiểm soát toàn thế giới về mặt tài chính (tức là về mọi mặt) nếu không có chiến tranh toàn cầu. Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đang trở thành loại ngoại tệ vượt khỏi tầm kiểm soát của Washington (và thậm chí nguy hiểm đối với Mỹ), và đến năm 2025 đồng rupee của Ấn Độ, đồng Amero của Mỹ Latin và đồng tiền của EAEC sẽ có thể cạnh tranh với đồng USD.
Có vẻ như hiện nay Washington chỉ cố gắng đảm bảo sự thống trị của các công ty Hoa Kỳ trên các thị trường khu vực — ví dụ, ở Tây Âu, và hy vọng duy trì sự kiểm soát tại các mỏ dầu ở khu vực Trung Đông. Mặt khác, giới thượng lưu Mỹ nhận thực được rằng, ảnh hưởng chính trị của Hoa Kỳ trên thế giới đã giảm mạnh, và điều đó như một chất xúc tác đang xúc tiến Bộ Ngoại giao Mỹ thực hiện những hành động hiếu chiến và vô lý trên phần lớn các phương hướng chính sách đối ngoại.