Tỉnh trưởng Okinawa ông Takeshi Onaga đã tuyên bố thu hồi giấy phép thực hiện các công việc cải tạo đất tại nơi bố trí căn cứ mới đã được người tiền nhiệm cấp.
Trong cuộc đàm đạo với phóng viên đài "Sputnik", chuyên viên Nga nổi tiếng Victor Pavlyatenko từ Viện Viễn Đông bình luận về sự đối đầu giữa tỉnh trưởng và người dân Okinawa với chính quyền Nhật Bản:
"Tình hình xung quanh Okinawa không rõ ràng. Quả thực, nhìn từ bên ngoài, người dân địa phương tổ chức các cuộc biểu tình phản đối sự hiện diện của Mỹ, chính phủ cố gắng thuyết phục vị tỉnh trưởng, còn Tỉnh trưởng vẫn cương quyết phản đối. Và đây không phải là vị tỉnh trưởng đầu tiên tỏ rõ thái độ coi thường các thỏa thuận Nhật-Mỹ. Có lẽ, đây chỉ là một show diễn dành cho người Mỹ, và bằng cách này Nhật Bản cố gắng nhận được từ Hoa Kỳ những ưu đãi mới trong quan hệ song phương.
Mặt khác, tình hình xung quanh Okinawa có thể là một biểu hiện của ý muốn rút các căn cứ Mỹ khỏi Nhật Bản. Trong số các tỉnh Nhật Bản, Okinawa có tâm trạng chống Mỹ mạnh nhất. Quân đội Hoa Kỳ hiện diện ở đó trong 70 năm liền, lính Mỹ hành động trắng trợn, gây sự phẫn nộ của nhiều người dân Nhật Bản. Vì vậy, không loại trừ khả năng tình hình căng thẳng xung quanh căn cứ Mỹ ở Okinawa là một bước theo hướng giải thoát khỏi sự bảo hộ của Mỹ.
Tuy nhiên, có cả phương án thứ ba. Okinawa yêu cầu rút hết các căn cứ, còn Thủ tướng Abe, bất chấp làn sóng phản đối của người dân Okinawa, vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch di chuyển căn cứ vào vị trí khác trên đảo. Như vậy, Nhật Bản một lần nữa chứng tỏ rằng, Tokyo là đồng minh trung thành của Mỹ sẵn sàng thực hiện các cam kết của mình."
Hiện nay, tâm trạng chống các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản tác động như thế nào đến tình hình trong nước?
"Rõ ràng, hiện nay phong trào chống Mỹ đã giảm đi so với những năm 1960, 1970 và thậm chí đầu những năm 1980. Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình đưa Nhật Bản ra khỏi phạm vi ảnh hưởng của Mỹ. Theo tôi, trong chính quyền Nhật Bản cũng có khá nhiều thế lực muốn giải thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ".
Người Nhật có thái độ như thế nào đến "nguy cơ từ phía Trung Quốc ", mà các phương tiện truyền thông của Nhật Bản và Mỹ thường xuyên nói tới?
"Người Nhật thực sự tin tưởng vào các mối đe dọa từ phía Trung Quốc. Nhưng, trong xã hội Nhật Bản có cả cái nhìn khác về tình hình: nếu hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ, thì Nhật Bản muốn hay không muốn vẫn bị lôi cuốn vào cuộc đối đầu Mỹ-Trung Quốc. Nếu làm giảm sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ thì sẽ xuất hiện khả năng thương lượng dễ dàng hơn với Trung Quốc. Bởi vì hai quốc gia châu Á với lịch sử cổ kính, với nền văn hóa phong phú, có thể hiểu nhau dễ dàng hơn. Và yếu tố Mỹ trong lịch sử khu vực Đông Á được coi như một cái gì đó xa lạ và không tự nhiên. Ngoài ra, người Nhật không bao giờ quên các vụ đánh bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki".
Phóng viên của đài "Sputnik" nhận xét: bây giờ phổ biến quan điểm rằng, hiện nay người Nhật không nhớ chính xác ai đã ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki…
"Tôi không biết ai đã nói lên quan điểm này. Nhưng, tôi đã thấy rõ rằng Nhật Bản rất tích cực thực hiện các hoạt động tưởng niệm 70 năm thảm kịch nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki. Mục đích của các hoạt động này là cho toàn thế giới thấy rằng, Nhật Bản không chỉ là kẻ xâm lược mà cũng là một nạn nhân của chiến tranh thế giới II. Là nạn nhân của các vụ đánh bom nguyên tử. Nhật Bản không quên về 120 nghìn người gốc Nhật đã bị cầm giữ tại Hoa Kỳ trong những năm chiến tranh. Từ những gì tôi biết về người Nhật, cũng không loại trừ việc họ sẽ cố gắng trả thù người Mỹ. Khi nào, như thế nào — khó nói. Nhưng họ sẽ trả thù".