Lần đầu tiên sau Thế chiến II và trái với các văn kiện ghi nhận kết quả chiến tranh, đạo luật mới sẽ cho phép quân đội Nhật Bản tham gia hoạt động quân sự ở nước ngoài. Như được ghi trong dự luật: với mục đích bảo vệ "các quốc gia thân thiện", thậm chí nếu Nhật Bản không bị tấn công. Trong bản Hiến pháp được sửa đổi sẽ loại bỏ một số hạn chế đối với hành động quân sự trong thành phần lực lượng Liên Hiệp Quốc ở nước ngoài. Trước đây, quân nhân Nhật Bản không có quyền sử dụng vũ khí trong các chiến dịch quân sự của LHQ.
Giới chính trị của các nước láng giềng với Nhật Bản, trước hết trên bán đảo Triều Tiên và ở Trung Quốc, đã mô hình hóa những hậu quả có thể có của đạo luật này đối với tình hình chính trị- quân sự trong khu vực Đông Á và toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung.
Quá trình xem xét lại vai trò của Lực lượng Phòng vệ đã bắt đầu không phải tại Quốc hội Nhật Bản, mà do một số bước đi của nội các Shinzo Abe. Trước hết, nội các bộ trưởng đã mở rộng đáng kể phạm vi địa lý và cường độ tham gia các cuộc tập trận hải quân. Không phải ngẫu nhiên, mỗi khi Nhật Bản tham gia cuộc diễn tập quân sự với Hoa Kỳ, thì Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đều coi đó là một vụ khiêu khích. Các nhà quan sát cũng lưu ý đến một thực tế rằng, Tokyo đã hoan nghênh đề xuất của Washington cùng nhau thực hiện nhiệm vụ tuần tra vùng biển Hoa Nam. Rõ ràng, quyết định này không góp phần củng cố hòa bình trong một khu vực phức tạp như vậy, nơi có các mối đan xen dày đặc về lợi ích của các nước.
Nhật Bản không thể thực hiện các bước đi nhằm tăng cường vai trò của mình như một sức mạnh quân sự nếu không có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. Đó là ý kiến của chuyên gia Viktor Pavlyatenko tại Viện Viễn Đông của Nga: "Rõ ràng là, các bước đi này của Tokyo gây sự lo ngại của các nước láng giềng, làm sống lại triển vọng biến Nhật Bản thành một sức mạnh quân sự. Và Mỹ tiếp tay cho Nhật Bản để kiềm chế Trung Quốc. Tokyo muốn để mọi người thấy rằng, Nhật Bản là một cường quốc thế giới về sức mạnh quân sự và chính trị. Và các bước đi của Nhật Bản đều phục vụ mục đích này. Tất nhiên, Nhật Bản muốn phát triển sự hợp tác quân sự. Điều đó thể hiện thông qua sự hỗ trợ quân sự và kỹ thuật cho các nước tham gia liên minh chống Trung Quốc đang được thành lập. Đây cũng là một bước tiến mới theo hướng tăng cường vai trò quân sự của Nhật Bản ở châu Á”.
Xét theo mọi việc, sau khi Nhật Bản thông qua dự luật này, không chỉ Đông Bắc Á mà còn toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ phải đối mặt với một thực tế địa chính trị mới. Và sau đó có thể thay đổi cán cân quân sự-chính trị trong khu vực.