Nhật Bản dự định cải tổ Hội đồng Bảo an để biến LHQ thành một tổ chức của thế kỷ 21, và sau đó, với tư cách thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, Nhật Bản sẽ tiếp tục góp phần mình vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình và đảm bảo sự thịnh vượng trên thế giới" — Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố như vậy khi phát biểu tại phiên họp trọng thể nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Liên Hợp Quốc.
Đã mấy năm liền LHQ tranh luận về việc cải tổ Hội đồng Bảo an — cơ chế quan trọng nhất của tổ chức quốc tế này chịu trách nhiệm về việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Lễ kỷ niệm lần thứ 70 ngày thành lập Liên Hiệp Quốc là một cơ hội thuận lợi để nói về chủ đề này. "Cần phải tạo ra một cơ chế hiệu quả hơn, có tính chất đại diện rộng rãi hơn và có khả năng phản ứng linh hoạt hơn với các cuộc xung đột và khủng hoảng toàn cầu. Các nước trong "bộ tứ" — Brazil, Đức, Ấn Độ và Nhật Bản — đều là các ứng viên hợp pháp cho ghế ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an. Chúng tôi sẽ hết sức cố gắng để đạt được kết quả cụ thể tại phiên họp lần thứ 70 của tổ chức quốc tế này" — đó là nội dung bản tuyên bố chung của các đại biểu tham dự cuộc họp ở New York.
Vấn đề gây tranh luận nhiều nhất là việc mở rộng thành phần Hội đồng Bảo an phải được thực hiện trên nguyên tắc nào. Như được biết, hiện nay, trong thành phần Hội đồng Bảo an có 15 quốc gia, trong đó 5 quốc gia là thành viên thường trực sở hữu quyền phủ quyết. Đó là Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Hoa Kỳ. Mười nước còn lại được bầu ra tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cho nhiệm kỳ hai năm. Matxcơva sẵn sàng xem xét bất kỳ phương án hợp lý của việc mở rộng Hội đồng Bảo an, nhưng, với điều kiện "phương án này dựa trên sự đồng thuận rộng rãi nhất trong Liên Hiệp Quốc", — Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói như vậy trong một cuộc phỏng vấn với hãng truyền hình "Russia Today"̉:
"Vấn đề gia tăng số lượng thành viên thường trực và không thường trực trong Hội đồng Bảo an gây ra những tranh luận rất gay gắt. Câu hỏi đặt ra là, gia tăng số lượng thành viên không thường trực hoặc số lượng thành viên thường trực. Ấn Độ, Brazil, Đức và Nhật Bản muốn có quy chế thành viên thừơng trực. Đơn xin gia nhập của nhóm được gọi là "Bộ tứ" đã nhận được sự ủng hộ khá mạnh. Tuy nhiên, nhóm khác bao gồm các quốc gia: Italy, Mexico, các nước Scandinavơ, Tây Ban Nha, một số nước châu Á, trong đó có Pakistan, Malaysia, Indonesia và nhiều nước Châu Mỹ Latin, đều cho rằng, việc gia tăng số lượng thành viên thường trực là không hợp lý. Cần phải tìm kiếm một sự thỏa hiệp. Lập trường của Nga là chúng tôi sẵn sàng ủng hộ bất kỳ phương án. Hoặc gia tăng số lượng thành viên thường trực hoặc không thường trực, hoặc một vài ghế cho thành viên thường trực và một vài ghế cho thành viên không thường trực. Điều chính yếu đối với chúng tôi là thực hiện nhiệm vụ ban đầu của Đại Hội đồng LHQ. Văn kiện nói rằng, quyết định cuối cùng phải dựa trên sự đồng thuận rộng rãi nhất có thể. Và đó không phải là hai phần ba số phiếu bầu…".
Tuy nhiên, ông Lavrov nhấn mạnh rằng, không được để cuộc cải tổ Hội đồng Bảo an tác động tiêu cực đến khả năng của cơ quan này phản ứng hiệu quả và kịp thời đến các thách thức đang nổi lên, điều đó là đặc biệt quan trọng khi các hang ổ xung đột đang gia tăng trên thế giới.
Song, một số chuyên gia nghi ngờ về sự cần thiết của việc mở rộng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nhà Đông phương học nổi tiếng của Nga kiêm nhà sử học Anatoly Koshkin nói:
"Cần phải nhấn mạnh rằng, khi thành lập Hội đồng Bảo an thì trong số các thành viên thường trực chỉ là các nước chiến thắng, chứ không phải các quốc gia với tiềm lực kinh tế lớn nhất và trọng lượng quân sự mạng nhất. Theo tôi, ý muốn mở rộng số lượng thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an được giải thích chủ yếu bởi những cân nhắc về uy tín, cũng như ý muốn có được quyền phủ quyết. Nhưng, nếu Nhật Bản và Đức có được quyền phủ quyết thì điều đó sẽ là không hợp lý bởi vì trong vấn đề bảo đảm an ninh quốc gia, các nước này nằm dưới sự bảo hộ của Hoa Kỳ. Lực lượng vũ trang Mỹ hiện diện trên lãnh thổ các quốc gia đó, và bây giờ có kế hoạch tăng cường đội quân Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Về mặt này, thật khó có thể hình dung Nhật Bản và Đức tự mình thông qua quyết định sử dụng quyền phủ quyết, hoặc, bỏ phiếu trái với ý kiến của Hoa Kỳ. Yếu tố này làm giảm ý nghĩa của việc Nhật Bản và Đức sở hữu quyền phủ quyết. Theo ý kiến của tôi, trong tương lai gần nên duy trì số lượng thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Nhưng, đồng thời nên nâng cao quy chế của các thành viên không thường trực".
Chuyên gia Nga nhấn mạnh, cần phải quay trở lại với thực tiễn thực hiện nghiêm ngặt các nghị quyết của Hội đồng Bảo an về việc sử dụng lực lượng vũ trang chống lại các quốc gia khác. Như được biết, trong những năm gần đây Hoa Kỳ không phối hợp hoạt động quân sự của họ ở nước ngoài với ý kiến của các thành viên khác trong Hội đồng Bảo an. Sẽ hợp lý nếu áp dụng những biện pháp trừng phạt các quốc gia vi phạm điều khoản này và gửi lực lượng vũ trang sang các nước khác mà không có sự ủy nhiệm của Liên Hiệp Quốc.