Trong cuộc trò chuyện lần trước, chúng tôi đã kể rằng trước khi diễn ra trận Điện Biên Phủ, các nhà lãnh đạo Liên Xô quyết định gửi một nhóm quay phim đến Việt Nam để làm bộ phim về cuộc đấu tranh anh dũng của những người yêu nước Việt Nam. Sử gia Moskva Maxim Syunnerberg cho biết:
"Các nhà làm phim vượt qua biên giới Trung-Việt ngày 24 tháng 5 trên chiếc xe Jeeps của Mỹ — chiến lợi phẩm Điện Biên Phủ. Họ đến ngôi làng trong rừng, là nơi Trung ương Đảng và chính phủ nước cộng hòa đóng quân. Sáng hôm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp họ tại nơi ở của mình, một ngôi nhà sàn bằng tre nứa. Về sau, người đứng đầu nhóm Roman Karmen nhớ lại rằng trên bàn của Chủ tịch ông thấy một tập báo và chiếc máy đánh chữ "Hermes Baby". Khắp nơi trong phòng có rất nhiều sách, trong góc có con mèo màu hung với ba chú mèo con."
Cuộc nói chuyện diễn ra bằng tiếng Nga. Hồ Chí Minh cho biết, ông đã học tiếng Nga trong những năm làm việc tại Quốc tế cộng sản ở Nga. Ông hào hứng nói về tình yêu mà người Việt Nam dành cho Liên Xô và lặp lại nhiều lần rằng các nhà quay phim Liên Xô sẽ cảm nhận được tình yêu đó ở khắp mọi nơi, trên mỗi bước đi. Nói về cuộc đàm phán tại Geneva, Hồ Chí Minh lưu ý rằng phái đoàn Việt Nam cảm thấy thoải mái, bởi vì họ không đơn độc trong cuộc chiến ngoại giao, phía sau họ có sự hỗ trợ của phái đoàn Liên Xô.
Tiếp theo, các nhà làm phim đã gặp các ông Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Tùng và Tố Hữu. Ông Tôn Đức Thắng nồng nhiệt chào đón họ và kể về sự tham gia của mình trong cuộc nổi dậy của thủy thủ hạm đội Pháp ở Biển Đen, không chịu tấn công chống nước Nga Xô Viết hồi năm 1919. Ông Tôn Đức Thắng cũng nhắc lại rằng, khi ở trong nhà tù thực dân, ông đã rất buồn khi nghe tin phát xít Đức tấn công Liên Xô. "Nhưng tôi không hề nghi ngờ rằng kẻ thù sẽ bị đánh bại — Tôn Đức Thắng cho biết. — Chẳng bao lâu sau, chúng tôi được biết về chiến thắng của Hồng quân ở ngoại ô Moskva, và sau đó — tại Stalingrad. Đánh bại phát xít Đức, và sau đó đánh bại quân phiệt Nhật Bản, Hồng quân đã giải phóng chúng tôi. Tấm gương của Liên Xô, chủ nghĩa anh hùng và tinh thần dũng cảm của nhân dân Liên Xô luôn truyền cảm hứng cho chúng tôi để quyết tâm tiến hành cuộc đấu tranh cho tự do và độc lập của Việt Nam. "
Các nhà quay phim đã được mời đến dự lễ khen thưởng cho các anh hùng Điện Biên Phủ. Và tối hôm ấy họ đã chiếu hai bộ phim tài liệu mang theo từ Liên Xô. Màn hình được căng ngoài trời giữa những cây cọ.
Bộ phim đầu tiên nói về tình bạn Xô-Việt. Khán giả nhìn thấy trên màn hình các thành phố khác nhau của Liên Bang Xô Viết. Và ở khắp mọi nơi đều có những cuộc triển lãm về cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam, các cuộc mít tinh, nơi diễn giả nói về những chiến công của bộ đội Quân đội nhân dân Việt Nam, về chủ nghĩa anh hùng lao động của những người nông dân và công nhân quốc phòng. Bộ phim đưa các khán giả vào khán phòng của trường đại học tổng hợp quốc gia Moskva MGU. Trên sân khấu, các sinh viên Việt Nam hát bài Quân hành của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bộ phim thứ hai nói về ngày Quốc tế lao động mới đây ở Moskva. Trừ một vài trường hợp ngoại lệ, hầu như tất cả các khán giả lần đầu tiên thấy thủ đô Liên Xô, điện Kremlin, Quảng trường Đỏ. Trên màn hình là cuộc diễu hành quân sự và trình diễn của những người lao động tay cầm khẩu hiệu đoàn kết với Việt Nam.
Khi bộ phim kết thúc, Hồ Chí Minh hướng tới khán giả và nói rằng: "Chúng ta đã nhìn thấy trên màn hình những máy bay tốt nhất thế giới. Chúng ta thường nhìn thấy máy bay trên bầu trời của chúng ta, nhưng đó là máy bay của đối phương, chúng ta căm ghét chúng. Còn máy bay của Liên Xô là chim bồ câu hòa bình. Tôi tin tưởng rằng chúng sẽ sớm đưa tới đất nước tự do và độc lập của chúng ta những người bạn thật sự — những công dân Liên Xô anh em, những người đầu tiên trong số đó hiện giờ đang ngồi bên cạnh chúng ta!"- Hồ Chí Minh chỉ vào ba người quay phim và nói thêm.
Ngày hôm sau, các nahf làm phim Liên Xô bắt đầu chuyến đi trên khắp đất nước Việt Nam, một chuyến đi kéo dài bảy tháng liền.