Cơ sở công nghiệp điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới đã được đưa vào hoạt động ở Nga năm 1954. Công trình thứ hai khởi động tại Anh năm 1956 và sau đó một năm xuất hiện nhà máy thứ ba ở Mỹ. Hôm nay, năng lượng điện hạt nhân đang được khai thác tại 31 quốc gia. Tổng số lò phản ứng năng lượng ước tính khoảng 400 đơn vị. Mười nhà máy điện hạt nhân của Nga sở hữu 34 tổ máy năng lượng, cung cấp một phần năm tổng điện lượng quốc gia.
Nga có kế hoạch tăng tỷ lệ khai thác các nhà máy điện hạt nhân, được đánh giá là hình thức sản xuất năng lượng với loạt ưu thế lớn trước thủy điện và nhiệt điện. Giá thành xây dựng công trình điện hạt nhân đắt gấp ba một nhà máy điện đốt than. Tuy nhiên, chi phí đảm bảo than liên tục cho cơ sở nhiệt điện lại quá lớn so với mua nhiên liệu hạt nhân, giá thành vận chuyển nhiên liệu than cũng đắt hơn nhiên liệu hạt nhân.
Đối với thủy điện, chi phí xây dựng không thấp hơn công trình điện hạt nhân. Các cơ sở thủy điện thường phải thi công ở vị trí cách xa người tiêu dùng năng lượng. Thủy điện kéo theo những yếu tố tiêu cực như làm ngập và lấn chiếm đất canh tác, phá vỡ hệ thống sinh thái đã hình thành hàng thế kỷ, cản trở hoạt động đường thủy.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mộng Sinh, một chuyên gia hàng đầu của ngành hạt nhân Việt Nam cho biết là tất cả những vấn đề này đã được cân nhắc khi soạn thảo chương trình phát triển năng lượng dài hạn của Việt Nam, trong quyết định xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mà công trình đầu tiên có sự tham gia của Nga.