Đó là bọn cướp biển hoạt động trong vùng biển khu vực Thái Bình Dương.
Để đối phó với vấn nạn này, trong bài phát biểu tại Diễn đàn an ninh Syanshansky tại thủ đô Trung Quốc hôm thứ Sáu Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov đã có lời kêu gọi gửi các nước hữu quan.
"Hải quân Nga có nhiều kinh nghiệm nghiêm túc về chống hải tặc và đảm bảo an ninh hàng hải. Nga tham gia hoạt động chống cướp biển ở Ấn Độ Dương ngay từ năm 2008. Trong thời gian này các đoàn tàu Nga đã hộ tống hơn 700 tàu buôn treo cờ của những quốc gia khác nhau. Chúng tôi có kinh nghiệm phong phú về phối hợp với tàu của các quốc gia. Nga sẵn sàng chia sẻ mọi kinh nghiệm với các đối tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương", — ông Antonov tuyên bố.
Ngoài ra, Nga đã thu được nhiều kinh nghiệm quí báu qua thực tế cuộc chiến chống hải tặc ở vùng bờ biển Somali. Các thủy thủ và phi công lái máy bay trực thăng Nga liên tục chặn đứng mưu toan và nỗ lực cướp tàu thuyền cắm những lá cờ khác nhau trong khu vực phức tạp không bình yên này của đại dương thế giới.
Thứ trưởng Quốc phòng LB Nga thông báo với các thành viên Diễn đàn Syanshansky rằng Nga tập trung tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương về đảm bảo an ninh hàng hải, chống hải tặc, hỗ trợ tàu thuyền bị nạn và cứu hộ trên biển. Nga đã có thỏa thuận tương ứng với phần lớn các quốc gia trong khu vực, và thời gian gần tới dự kiến hoàn tất thỏa thuận tương tự với Malaysia, Singapore, Brunei, Indonesia, Myanmar, Hàn Quốc, Thái Lan và Philippines.
Các nước châu Á-Thái Bình Dương đang tích cực phát triển hợp tác trong cuộc chiến chống hải tặc. Ngày nay chỉ trong truyền thuyết và tiểu thuyết phiêu lưu là còn hiện hữu loại "cướp biển lương thiện". Trên thực tế, hải tặc đã và đang là những tên cướp tàn nhẫn độc ác. Bây giờ không ai lý tưởng hóa những tên cướp biển nữa. Nhân đây phải nói thêm, như vậy trái với trường hợp với những tên khủng bố. Không hiểu vì sao có người chia khủng bố thành hai loại "xấu" và "đối lập ôn hòa". Hẳn không cần giải thích ai phân loại như vậy và theo tiêu chuẩn gì.
May thay, trong lịch sử đương đại, hiện thời không ai tính đến chuyện sử dụng những tên cướp biển trong vai trò "chiến sĩ đấu tranh vì tự do" hay là "chống đối vừa phải". Tuy nhiên, không loại trừ điều này trong tương lai. Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang bùng phát căng thẳng mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trong cuộc đối đầu này, người Mỹ dự định không những dựa vào những đồng minh đáng tin cậy như Nhật Bản, có hạm đội mạnh chẳng kém hải quân Hoa Kỳ trong khu vực. Người Mỹ còn đang cố gắng lôi kéo cả Việt Nam và Philippines, những nước đang có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh vì chủ quyền với biển đảo nếu có sử dụng lực lượng hải quân qui mô sẽ tương đương với cuộc chiến tranh lớn. Còn nếu dùng những tên cướp biển, thì phải chăng có thể công bố chúng là "chiến sĩ đấu tranh vì tự do hàng hải" hoặc lực lượng "đối lập ôn hòa"?
Nhưng hiện tại tất cả mọi người đều hiểu rằng đứng đằng sau các thể loại "chiến sĩ đấu tranh vì nền độc lập" và "chống đối vừa phải ôn hòa" thông thường là nước lớn với mưu tính lợi ích kinh tế và địa chính trị của riêng họ. Do đó, sự ủng hộ cho "phái đối lập" kiểu như vậy cũng có thể dẫn đến xung đột quân sự nghiêm trọng.
Để điều đó không xảy ra, cần phát triển sự hợp tác quốc tế rộng rãi trong cuộc chiến chống hải tặc. Cướp biển luôn là cướp ngay cả khi chúng được mệnh danh là "chiến sĩ đấu tranh vì tự do hàng hải". Cũng giống như những tên khủng bố vẫn là khủng bố, ngay cả khi người ta gọi chúng là "đối lập ôn hòa".