Họ đã quay các trường đoạn ở Hà Nội khi người Pháp rút đi và một bộ phận của QĐND Việt Nam tiến vào thủ đô. Những sự kiện lịch sử này được phản ánh trong bộ phim tài liệu màu và cuốn sách thú vị mà tác giả là nhà lãnh đạo nhóm, chuyên gia điện ảnh Roman Karmen.
Công việc của các nhà làm phim xô-viết giúp chúng ta hồi tưởng rõ nét những sự kiện thời đó.
Theo hiệp định Genève, quân Pháp phải rút toàn bộ khỏi Hà Nội vào ngày 09 tháng Mười, và ngày 10 tháng Mười nắm quyền kiểm soát tại thủ đô cần là các đơn vị chủ yếu của QĐND Việt Nam. Các chuyên viên Liên Xô đã đề nghị Ủy ban kiểm soát quốc tế cho phép họ được tới Hà Nội sớm hơn vài ngày trước mốc này.
Mỗi lúc càng xuất hiện thường xuyên hơn những chiếc xe chở các sĩ quan QĐND Việt Nam công tác trong Ủy ban Kiểm soát. Cư dân phấn khởi hoan nghênh những chiếc xe này bằng những tràng vỗ tay và lời chào vui mừng. Từ cổng những ngôi nhà có người Pháp sinh sống, vài chiếc xe tải chạy ra, bên trên xếp đầy tủ gương, giường, máy lạnh, bồn rửa, những chiếc vali chồng chất…
Các chuyên viên điện ảnh Matxcơva lập tức giơ máy ghi lại tất cả. Thoạt đầu, họ làm vậy một cách thận trọng, vì trong quyết định cho phép nhóm vào thành phố chẳng nói gì đến việc quay phim. Nhưng ngay sau đó, tin chắc rằng người Pháp không có tâm trạng và thì giờ để phản ứng với máy quay phim, nhóm chuyên viên này bắt đầu tác nghiệp công khai thoải mái. Những trường đoạn độc đáo, ghi lại thời khắc Hà Nội chờ đón đoàn quân chiến thắng được đưa vào bộ phim do Liên Xô sản xuất hồi đầu năm sau. Và điểm nhấn nổi bật của bộ phim là cảnh các chiến sĩ QĐND tiến vào Thủ đô giải phóng.
Hôm 9 tháng Mười là ngày quân Pháp rút khỏi để những nhóm đầu tiên của QĐND Việt Nam tiếp quản thành phố. Pháp cấm các cư dân không được ra khỏi cửa, cấm lưu thông tất cả các loại xe cộ. Tuy nhiên, lệnh cấm này không áp dụng với chiếc xe chở các nhà điện ảnh Matxcơva, họ chạy xe trong sự bảo trợ của Ủy ban Kiểm soát Quốc tế. Sớm tinh mơ hôm ấy, 6 giờ sáng, họ đến phố Duy Tân, điểm tiếp xúc đầu tiên của các sĩ quan cả hai bên ở phía nam thành phố. Giữa đường là những chiếc xe cắm cờ Việt Nam và cờ Pháp. Các sĩ quan thảo luận những chi tiết cuối cùng của khâu chuyển giao khu vực đầu tiên là cửa ô thành phố. Viên chỉ huy đoàn xe Pháp ra lệnh. Đoàn xe thiết giáp khởi động và tăng tốc chạy lên phía Bắc. Những cỗ xe chở bộ đội Việt Nam vượt qua giao lộ và di chuyển tiếp sau người Pháp.
“Và ở đây đã diễn ra phép lạ, — Roman Karmen viết trong cuốn sách về những ngày ở Việt Nam. — Con đường vắng vẻ phút chốc trở nên sống động. Còn chưa ngớt tiếng ồn của những cỗ xe thiết giáp đang lùi xa, thì phút chốc đã mọc lên hàng nghìn lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay lên những ngôi nhà. Và lập tức đường phố bỗng chật chội đông đúc những người dân từ đâu ùa ra cổ vũ, la hét, vẫy tay, công kênh những đứa trẻ trên vai, người ta khóc, cười, hát vang vì vui mừng. Cùng với các chiến sĩ Việt Nam, xe ô tô của chúng tôi đã thật khó khăn chậm chạp lách qua đám đông quần chúng hân hoan này”.
Còn buổi sáng ngày 10 tháng Mười, thủ đô Hà Nội long trọng đón chào lực lượng chính của QĐND là Trung đoàn Thủ đô huyền thoại. Các chiến sĩ vừa bước qua ranh giới vào thành phố đã chìm ngập trong trận mưa hoa, lời hoan hô chào mừng không ngớt trong suốt cuộc diễu hành qua thành phố. Người Hà Nội hát vang, hô khẩu hiệu và vỗ tay rộn ràng chào đón đoàn quân giải phóng. "Người Việt Nam đã thắng chiến tranh bởi vì căm ghét nó", — tác giả Roman Karmen nhận định trong cuốn sách của ông.
Ngày hôm ấy, các nhà làm phim xô-viết cũng có rất nhiều cuộc gặp tràn đầy niềm vui. Bởi mỗi lần tạm biệt những người bạn Việt Nam làm quen bốn tháng trước đây khi tác nghiệp trong vùng núi rừng Việt Bắc, họ đều cùng hẹn ước: “Sẽ gặp lại ở Hà Nội!". Và bây giờ, cuộc hội ngộ của những người bạn Nga-Việt đã thành sự thật đầy xúc động.