Trong bài viết trên tờ The Japan Times, ông xem xét những thí dụ rõ rệt khi phương Tây xuyên tạc, bóp méo bản chất các sự kiện liên quan đến Matxcơva. Theo nhà cựu ngoại giao Úc, phương Tây đã đi quá xa theo hướng "ma quỷ hoá" nước Nga.
Ví dụ, ở Afghanistan, Liên Xô đã cố gắng "tạo ra một cái gì đó tiến bộ hơn so với 'mớ bòng bong' mà chúng ta đang thấy hiện nay. Trong nước mình, chính quyền Xô Viết thực sự cho phép tất cả các dân tộc bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa của họ. Trên thực tế, "đế quốc của tội ác" như Ronald Reagan gọi Liên bang Xô, không phải là ác, ông Clark nói. Sau năm 1991, Nga đã cố gắng tiếp cận với phương Tây, và điều đó đã gây ấn tượng mạnh với nhiều người am hiểu. Đáng tiếc là hiện nay những thành tựu đó đều bị phá hủy do "những nỗ lực vô nghĩa nhằm "ma quỷ hoá" Matxcơva vì cuộc nội chiến ở Ukraina và việc sáp nhập Crưm".
Ngay từ đầu Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói rõ rằng, Nga không cần đến những vùng đất mới mà chỉ hỗ trợ cho những người dân nói tiếng Nga ở miền Đông Ukraina muốn thành lập khu vực tự trị. Họ muốn làm như vậy bởi vì các cơ quan chức năng ở Kiev hoạt động kém hiệu quả, thậm chí có "một nỗ lực ngu ngốc " cấm tiếng Nga. Ông Gregory Clark giải thích thêm, đồng thời, ông Putin bác bỏ lời kêu gọi sáp nhập "những vùng lãnh thổ lịch sử " vào Liên bang Nga. Ông Clark cho biết thêm, "nhưng, vì một số lý do kỳ lạ, phương Tây mô tả bước đi này như hành động xâm lược của Nga, dường như Nga không công nhận chủ quyền Ukraina".
Phương Tây tiếp tục quả quyết về sự xâm lược ngay sau khi các bên đã ký kết Hiệp định Minsk vào tháng Hai. Văn kiện này công nhận chủ quyền của Ukraina, còn diện tích lãnh thổ mà trên đó các lực lượng dân quân có thể thành lập khu vực tự trị, là nhỏ hơn nhiều so với yêu cầu của họ. Văn kiện quy định việc thành lập khu tự trị đã được đưa tới Quốc hội Ukraina, bất chấp những cuộc biểu tình phản đối của các nhóm dân tộc chủ nghĩa cực đoan hòng kéo dài cuộc chiến ở phía Đông Ukraina, và đã buộc khoảng 1 triệu người nói tiếng Nga phải chạy trốn sang Nga". Tuy nhiên, mặc dù Matxcơva đã chấp nhận các điều kiện của Hiệp định Minsk và tiếp nhận những người tị nạn, Nga phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt và áp lực quân sự từ phía NATO.
Nhà cựu ngoại giao Úc nêu câu hỏi, liệu các biện pháp trừng phạt có thể được giải thích bởi việc Crưm gia nhập Nga?" Ông Clark giải thích thêm, về mặt lịch sử đây là một khu vực của Nga. Do một quyết định thiển cận vào năm 1954 bán đảo Crưm đã được chuyển giao cho Ukraina trái với lẽ thường và sự cần thiết phải duy trì căn cứ của hạm đội Liên Xô tại Sevastopol. Đáng lẽ, Crưm nên trở về với Nga ngay trong năm 1991. Sự trở lại của Crưm trong thời gian các sự kiện năm 2014 tại Kiev chỉ đơn giản là không thể tránh khỏi, ông Gregory Clark khẳng định.
NATO cũng tìm cái cớ để gây áp lực lên Nga - Matxcơva bị cáo buộc gây áp lực lên ba nước Baltic. Ông Gregory Clark hỏi: " Ở NATO có ai biết về các biện pháp phân biệt tàn bạo chống lại các dân tộc thiểu số gốc Nga sống ở đó sau sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991?". Và ông nói, "nếu sự bất mãn của Matxcơva về tình trạng này có thể được gọi "xâm lược" thì chúng ta cần phải tìm một định nghĩa mới cho từ "xâm lược".
Những bước đi thiếu logic của phương Tây chống lại Nga có thể được giải thích bởi nỗi sợ hãi từ thời "chiến tranh lạnh" và chiến lược bành trướng của NATO. Một yếu tố khác là phương Tây thiếu hiểu biết về tình hình thực tế của người Tatar ở Crưm cũng như về những gì đang xảy ra ở vùng Baltic, nhà cựu ngoại giao Australia nhấn mạnh.