Nhóm nhà điện ảnh Liên Xô đã làm việc ở Việt Nam trong thời gian 7 tháng để quay phim tài liệu màu về chiến thắng vĩ đại của những người yêu nước Việt Nam và quá trình thiết lập cuộc sống yên bình. Ngoài ra, nhà lãnh đạo nhóm quay phim Roman Carmen đã thu thập tài liệu cho cuốn sách "Ánh sáng trong rừng thẳm". Nhờ bộ phim và cuốn sách của Roman Carmen, vào giữa những năm 50 thế kỷ trước, người dân Liên Xô hầu như lần đầu tiên biết về cuộc sống ở Việt Nam. Và bộ phim này đã được giới thiệu không chỉ ở Liên Xô mà còn tại hàng chục nước ngoài. Vào dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, bộ phim này (được khôi phục lại) đã được trao tặng cho Việt Nam.
Các nhà điện ảnh từ Matxcơva đã là những công dân Xô Viết đầu tiên đến Việt Nam theo lời mời chính thức. Họ đã thể hiện sự quan tâm lớn đến mọi khía cạnh cuộc sống, và, tất nhiên, đặc biệt quan tâm đến công việc của các đồng nghiệp Việt Nam.
Tháp tùng đoàn Liên Xô trong suốt chuyến đi là đạo diễn tương lai Phạm Văn Khoa, khi đó là Giám đốc đầu tiên của Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam. Ông hồi tưởng lại: “Khi đó chúng tôi đã có rất ít thiết bị điện ảnh, chỉ có một vài máy quay phim là “chiến lợi phẩm”. Chúng tôi rất vui mừng khi nhận được ba máy ảnh tự động từ Matxcơva, nhờ đó chúng tôi có được những thước phim về trận Điện Biên Phủ".
Nhóm quay phim đã nhiều lần tham dự những buổi chiếu phim Liên Xô. Họ lưu ý đến việc, ở Việt Nam màn ảnh thường có những lỗ thủng. Các bạn Việt Nam giải thích rằng, vấn đề này hầu như không thể giải quyết nổi: mỗi khi chiếu phim về chiến tranh với Đức Quốc Xã, và trên màn ảnh xuất hiện những tên phát xít, thì những chiến sĩ Quân đội nhân dân bắt đầu bắn súng vào chúng. Công tác giáo dục không giúp giải quyết vấn đề.
Trong thời gian 7 tháng, các chuyên gia Việt Nam đã làm việc cùng với nhóm quay phim từ Matxcơva. Ví dụ, đạo diễn Mai Lộc. Trong cuốn sách của mình, ông Roman Carmen viết: "Sau khi xem xét kỹ lưỡng phong cách làm việc của anh, tôi bắt đầu chuyển giao cho anh những nhiệm vụ cụ thể. Mai Lộc đã quay một số đoạn phim rất quan trọng, thể hiện mình như một nhà điện ảnh có kinh nghiệm, một nghệ sĩ chín chắn". Chính Mai Lộc đã quay hình ảnh mang tính biểu tượng giải phóng thủ đô Hà Nội: những giờ phút cuối cùng bị giặc chiếm đóng và ghi hình ảnh những tên lính Pháp cuối cùng rời khỏi Hà Nội.
Trong cuốn phim đó, nhà quay phim Hồng Nghị đã ghi lại quá trình khôi phục lại công trình thủy lợi tại tỉnh Thanh Hóa. Trong cuốn sách của mình, Roman Carmen viết nhiều những điều tốt đẹp về nhà quay phim Quang Huy. Nhà quay phim Nguyễn Quang Tuấn đã giúp cho Roman Carmen quay phim tại Điện Biên Phủ cũng như tại các thành phố được giải phóng ở Việt Bắc.
Làm việc cùng với các nhà điện ảnh Liên Xô là một trường học tuyệt vời cho các nhà làm phim trẻ. Không ngẫu nhiên mà sau đó, họ đã trở thành những bậc thầy uyên bác của ngành điện ảnh Việt Nam, được trao tặng các phần thưởng cao quý tại những liên hoan phim quốc tế.
Cuốn sách của Roman Carmen về chuyến đi Việt Nam kết thúc với những lời này: "Năm 1954, lần đầu tiên trong đời, tôi đến đất nước này và tôi sẽ yêu mến nó đến trọn đời. Trong giờ phút chia tay, tôi muốn tin rằng mình sẽ trở lại, sẽ thấy một Việt Nam hạnh phúc, thống nhất, không bị chia cắt bởi bất kỳ vĩ tuyến nào”.
Roman Carmen đã không trở lại Việt Nam. Nhưng, cho đến trọn đời, ông đã quan tâm theo dõi sự phát triển của nền điện ảnh Việt Nam, rất vui mừng với những thành công của các đồng nghiệp Việt Nam. Roman Carmen đã qua đời hai ngày trước ngày kỷ niệm 3 năm giải phóng phần phía Nam của đất nước mà ông yêu mến.