Thập kỷ đầu tiên sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, ở Việt Nam đã diễn ra giai đoạn hợp tác quốc tế tích cực giữa hai nước chúng ta, quan hệ ngoại giao được thiết lập tháng Giêng năm 1950. Trước hết là hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và thương mại.
Một năm sau khi ký kết Hiệp định Geneva, phái đoàn chính phủ Việt Nam do Hồ Chí Minh dẫn đầu đã đến Moskva. Tháng Bảy năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt chữ ký của mình dưới thỏa thuận thương mại đầu tiên giữa hai nước, cũng như các thỏa thuận về việc Liên Xô cung cấp viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam. Sử gia Moskva Maxim Syunnerberg cho biết:
"Sự hỗ trợ kinh tế của Liên Xô, trước hết là của Nga dành cho Việt Nam trong thời kỳ giữa hai cuộc kháng chiến hướng tới việc thành lập và phát triển các ngành kinh tế hàng đầu của đất nước.Và một phần ba viện trợ của Liên Xô đã được cung cấp không hoàn lại cho Việt Nam. Trong thập kỷ này, sự hỗ trợ của Liên Xô đã giúp Việt Nam khôi phục và xây dựng 92 xí nghiệp khác nhau. Năm 1964, các xí nghiệp này sản xuất hơn 90% sản lượng than, 80% sản lượng máy công cụ, toàn bộ khối lượng sản xuất thiếc và apatit, supe lân, trà chất lượng cao và cá hộp.
Một ví dụ nổi bật về hiệu quả viện trợ của Liên Xô dành cho Việt Nam là khôi phục lại ngành khai thác than ở Quảng Ninh. Khi rời khỏi Việt Nam, người Pháp dự đoán rằng để làm điều đó, chính quyền mới sẽ mất ít nhất 50 ơi năm. Nhờ sự hợp tác với Liên Xô, thời hạn ấy đã được rút ngắn hơn mười lần.
Trong thập kỷ đó đã xây dựng nhà máy cơ khí Hà Nội, nhà máy điện Thác Bà, Uông Bí, Vinh, mỏ apatit Lào Cai, nhà máy thiếc Cao Bằng. Đến đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, các doanh nghiệp này là xương sống sức mạnh kinh tế của Việt Nam.
Vào thập niên hòa bình đó, hỗ trợ đáng kể đã được nhà nước Xô Viết cung cấp cho Cộng hòa Dân chủ Việt Nam trong việc thăm dò, phát triển giao thông vận tải và thông tin liên lạc, y tế và giáo dục. Thành quả của sự hợp tác ấy là Đại học Bách khoa Hà Nội, sau này đã trở thành một trong những trường đại học hàng đầu của đất nước. Trong khuôn khổ thỏa thuận về hợp tác khoa học và kỹ thuật ký kết tháng ba năm 1959 giữa hai nước, Liên Xô chuyển cho Việt Nam hơn 600 bộ tài liệu hướng dẫn sản xuất máy móc và thiết bị về quá trình sản xuất khác nhau của từng ngành công nghiệp, nông nghiệp.
Trong mười năm hòa bình sau kháng chiến chống Pháp, hơn 2000 chuyên gia Liên Xô đã làm việc tại Việt Nam, hầu hết là người Nga. Một phần mười trong số họ đã được trao các giải thưởng nhà nước của Việt Nam. Trong những năm đó, Chủ tịch Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Sự viện trợ vô tư của Liên Xô đã tăng cường hơn nữa lực lượng yêu nước Việt Nam, củng cố niềm tin vào chiến thắng trong xây dựng hòa bình, trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước."
Giữa những năm 60, khi cuộc đấu tranh này bước vào giai đoạn quyết định, hợp tác giữa hai nước chúng ta đã mang lại cho Việt Nam ý nghĩa quan trọng hơn. Nhưng đó là chủ đề tiếp theo trong chuyên mục "Nhìn lại ngày hôm qua" của đài chúng tôi.