Trong các cuộc thảo luận trước đó, chúng tôi đã bàn về thực tế Liên xô bắt đầu viện trợ kinh tế cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay sau một năm Hiệp Định Geneva được ký, vào thời điểm phái đoàn nhà nước đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đến thăm Moskva.
Trong số đó có vài nhà máy điện lực. Nổi tiếng nhất như Uông Bí và Thác Bà thường được nhắc khi nói tới sự hỗ trợ của Liên Xô dành cho nền kinh tế Việt Nam trước cuộc kháng chiến lần thứ hai. Nhưng ít ai nghe thấy về nhà máy thủy điện Bàn Thạch. Thực tế, đó là công trình thủy điện đầu tiên được xây dựng ở miền Bắc Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám, nằm trên hệ thống kênh mương lớn được tạo ra bằng sức người.
Như Bộ trưởng Bộ Thủy lợi và Điện lực Dương Quốc Chính từng ghi nhận vào cuối năm 1959, nhà máy thủy điện này vô cùng cần thiết cho đất nước. Thứ nhất, để cung cấp điện cho cơ sở nông nghiệp và công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, thứ hai là cơ hội trau dồi kinh nghiệm thi công thủy điện từ Liên Xô, cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia đào tạo nên một lực lượng công nhân xây dựng.
Cả hai mục tiêu này đều đã đạt được. Đặc biệt, trạm bơm Yên Định đi vào hoạt động nhờ nguồn điện Bàn Thạch và 20.000 ha đất canh tác bắt đầu cho thu hoạch hai vụ lúa một năm. Năng lượng của thủy điện Bàn Thạch đến với các xí nghiệp gang thép và xay xát lúa, tới thành phố Thanh Hoá. Tới nhà máy cưa gỗ có sản phẩm đường gờ sàn được xuất khẩu sang Liên Xô, nhận được sự đánh giá cao từ các chuyên gia và nhà xây dựng. Nhà máy cưa gỗ cũng được thành lập vào năm 1956, trang bị công nghệ của Liên Xô, sáu chuyên gia từ Nga đã làm việc tại đây để hướng dẫn các công nhân Việt Nam.
Điện Bàn Thạch cũng là trường dạy nghề tuyệt vời cho các nhà thủy điện tương lai của Việt Nam. Như ông Mikhail Kiparisov, một chuyên gia Liên Xô từng làm việc tại công trình nhớ lại, hàng trăm người Việt Nam đã dự các khóa học đào tạo. Sau này trong các bức thư gửi những người bạn Nga đã trở về quê hương, họ cho biết nhiều người đã trở thành kỹ sư, thợ cả, được đánh giá khen thưởng vì thành tích xuất sắc trên các công trình khác.
Nhà máy điện Bàn Thạch được đưa vào hoạt động năm 1961, trở thành công trình thủy điện đầu tiên tại Việt Nam xây dựng sau Cách mạng tháng Tám. Nhưng 5 năm sau đó, Bàn Thạch là một trong những cơ sở kinh tế đầu tiên của nước Cộng hòa bị máy bay Mỹ ném bom.
"Nhà máy đã bị tàn phá, — ông Dương Quốc Chính viết cho ông Mikhail Kiparisov. — Nhưng tình hữu nghị giữa người Việt Nam và người Nga sẽ được gìn giữ mãi mãi. Dựa trên kinh nghiệm của các bạn, sự giúp đỡ của các bạn, chúng tôi nhất định sẽ giành chiến thắng và xây dựng các nhà máy điện mới."
Ông Mikhail Kiparisov thường nghĩ tới những dòng viết của vị bộ trưởng Việt Nam, khi mỗi lần ông nghe thấy tin tức về các công trình điện lực Hòa Bình, Phả Lại, Trị An…Ông mường tượng ở nơi đó, sát cánh làm việc cùng các chuyên gia đến từ Nga có những người lao động Việt Nam từng được đào tạo trên công trường thủy điện đầu tiên của đất nước — nhà máy điện Bàn Thạch.