Nga mong đợi hoạt động đầu tư nước ngoài đối với sự phát triển của vùng Siberia và Viễn Đông, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết. Khối lượng đầu tư trực tiếp vào nền kinh tế Nga từ các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương là khoảng 10 tỷ USD. Để gia tăng con số này đã tích cực thành lập các quỹ. Các quỹ này hiện đã hoạt động tại Trung Quốc và Hàn Quốc. Đồng thời nhà nước đưa ra một cơ chế đặc biệt là Vùng lãnh thổ phát triển ưu tiên, có ưu đãi về thuế và chế độ hành chính. Hiện nay 9 khu vực như vậy đã thành lập, tại đó đã có khoảng 70 hãng đăng ký. Thủ tướng Dmitry Medvedev bày tỏ hy vọng rằng số lượng các công ty sẽ còn tăng lên. Để điều đó xảy ra, ông cam kết sẽ đưa ra những sửa đổi luật. Các công ty ở khu vực cảng tự do Vladivostok sẽ được nhận nhiều ưu đãi. Chế độ này được dự kiến sẽ được mở rộng sang các cảng khác ở Nga, người đứng đầu chính phủ cho biết.
Về phần mình, chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định rằng, tại Trung Quốc, điều kiện thuận lợi dành cho các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không thay đổi. Chính phủ sẽ tiếp tục bảo vệ các quyền và lợi ích của họ ở Trung Quốc. Và chính phủ cũng thực hiện nghĩa vụ của mình nhằm cung cấp cho họ các dịch vụ chất lượng cao hơn. Ông nhấn mạnh rằng Trung Quốc luôn luôn mở rộng cửa với thế giới bên ngoài. Đặc biệt, Trung Quốc dự định sẽ đẩy nhanh các cuộc đàm phán với Hàn Quốc và Nhật Bản về thỏa thuận thương mại tự do. Đến cuối năm nay có thể sẽ đạt được thỏa thuận thương mại tự do với Australia và Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết.
Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng bất chấp các yếu tố bên ngoài và nội bộ khó khăn, nền kinh tế của Trung Quốc vẫn duy trì được ổn định. Kinh tế Trung Quốc có không gian rộng rãi để hoạt động, bất chấp những thách thức chưa từng có, nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết. Chuyên gia Viện Nghiên cứu Viễn Đông, ông Alexander Larin bình luận:
"Lời phát biểu của ông Tập Cận Bình chỉ ra rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Các chuyến thăm gần đây của các ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường tới các nước khác nhau thường kèm theo việc ký kết những giao dịch đầu tư lớn. Giới tinh hoa kinh tế và chính trị địa phương tiếp nhận điều đó với sự hoan nghênh. Điều đó là bằng chứng quan trọng nhất cho việc Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường vai trò của mình là nền kinh tế hàng đầu trên thế giới."
Hai ông Tập Cận Bình và Dmitry Medvedev nhấn mạnh rằng họ ủng hộ việc tăng cường hội nhập trong khu vực. Đồng thời, Thủ tướng Nga tuyên bố rằng các hiệp định thương mại được ký kết trong khuôn khổ đó không được phá hủy những mối quan hệ kinh tế hiện có. Thỏa thuận thương mại ưu đãi là quan trọng, nhưng không nên thay thế các hệ thống thương mại đa phương, ông Dmitry Medvedev ghi nhận.
Ông Tập Cận Bình cũng kêu gọi các nước tham gia diễn đàn APEC thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực trên cơ sở bình đẳng. Ông dẫn ví dụ về việc lập ra Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực. Trung Quốc đang vận động cho dự án này, đối trọng với TPP do Hoa Kỳ chủ trương.
Hai ông Dmitry Medvedev và Tập Cận Bình không trực tiếp tập trung chú ý vào Thỏa thuận đối tác xuyên Thái Bình Dương. Hiệp định TPP không được đưa vào chương trình nghị sự chính thức của hội nghị thượng đỉnh APEC. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố tại Manila rằng công việc về thành lập TPP đang hoàn tất, nhưng tiến hành rất khó khăn. Một trong những vấn đề chính là làm cho các nguyên tắc của TPP phù hợp với các quy định của WTO. Một thách thức khác là kết hợp các nguyên tắc thương mại tự do mà Hoa Kỳ đưa vào đề án với lợi ích các nước thành viên khác của định dạng này. Có lẽ đó là lý do tại sao vấn đề TPP đã không được đưa vào chương trình hội nghị thượng đỉnh Manila.
Trong khi đó, lời kêu gọi các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc tôn trọng các nguyên tắc thương mại toàn cầu và tuân thủ sự bình đẳng của các đối tác trong quá trình hội nhập rõ ràng là hướng đến Hoa Kỳ.