Gần đây, Ấn Độ đã mời Nhật Bản dự thầu hợp đồng bán sáu tàu ngầm với tổng trị giá 1,8 tỷ USD. Ngoài ra, Ấn Độ đang đàm phán về 12 thủy phi cơ tuần tra US-2 do Shin Mayawa Industries (Nhật Bản) chế tạo tương đương 1,7 tỷ USD. Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản khai thác phương tiện này trong các hoạt động cứu hộ. Có khả năng, thỏa thuận sẽ được hai bên thống nhất trong chuyến thăm Ấn Độ lần này của Thủ tướng Nhật Bản.
Sau khi quy định cấm xuất khẩu vũ khí và công nghệ quân sự có hiệu lực gần nửa thế kỷ được hủy vào tháng 4 năm 2014, Nhật Bản không ngừng nỗ lực trở thành đối thủ tích cực trên thị trường vũ khí quốc tế, trước hết tại châu Á — Thái Bình Dương.
Chẳng hạn, Bộ Quốc phòng Philippines đang quan tâm tới hợp đồng mua máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-3C Orion phục vụ hoạt động tuần tra trên Biển Đông. Việt Nam và Indonesia cũng là những thị trường tiềm năng đối với Nhật Bản.
Đặc biệt, việc chuyển giao công nghệ tàu ngầm phi hạt nhân lớp Soryu cho Úc có thể trở thành giao dịch lớn nhất đối với Nhật Bản. Theo đánh giá của các chuyên gia, hợp đồng thay thế tàu ngầm Collins đã lỗi thời của Hải quân Úc bằng các tàu ngầm Nhật Bản thế hệ mới có trị giá ước tính lên đến 40 tỷ USD. Đến cuối năm 2016, Úc sẽ phải chọn ra loại tàu ngầm mới cho lực lượng hải quân. Ngoài Nhật Bản, Đức và Pháp là những nhà bán hàng tiềm năng.
Ông Valery Kistanov, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản bình luận về tình hình:
"Đã có thể nói về Nhật Bản như một đối thủ cạnh tranh mạnh trên thị trường. Ở đây không chỉ đề cập tới Ấn Độ và các nước châu Á-Thái Bình Dương. Còn cả Trung Đông và Mỹ Latinh. Lịch sử cho thấy, bất kỳ thị trường dù đã phân chia, sớm muộn đều có thể bị thay đổi. Để thực hiện mục tiêu, Nhật Bản cần những điều kiện nhất định và trên hết là các sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Xe bọc thép, súng ống, thiết bị hải quân, phương tiện liên lạc, thiết bị điện tử của Nhật Bản được đánh giá cao về chất lượng. Nhưng mặt khác, Nhật Bản lại thua các đối thủ cạnh tranh về giá bán. Nguyên nhân là cho tới nay, các công ty sản xuất vũ khí Nhật Bản vẫn chủ yếu định hướng vào thị trường nội địa, sản phẩm của học có giá thành cao. Việc mở rộng sản xuất hàng loạt sẽ dẫn đến tiết kiệm chi phí, hạ thấp giá, nâng cao tính cạnh tranh và tăng lợi nhuận cho công ty. Đó là yếu tố kinh tế của Nhật Bản trong xuất khẩu vũ khí. Nhưng không nên quên, thương mại vũ khí và công nghệ quân sự gắn kết chặt chẽ với chính trị. Nhật Bản muốn tăng cường liên minh với Hoa Kỳ và các đồng minh tiềm năng cũng như Nhật Bản, đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc… "
Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ nhà sản xuất thiết bị quân sự trong nước thông qua tài trợ hoặc cho vay lãi suất thấp, cấp tín dụng cho khách hàng mua vũ khí. Tuy nhiên, việc kinh doanh vũ khí ngày càng khó khăn. Nhiều quốc gia châu Á-Thái Bình Dương nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng đã dẫn đến thực tế một nước hôm qua còn là nhà nhập khẩu vũ khí thì hôm nay có thể sẵn sàng cạnh tranh với các cường quốc quân sự-công nghiệp lớn ở không ít hạng mục. Những ai mới bắt đầu gây dựng công nghiệp quân sự thì quan tâm trước hết là công nghệ. Vì vậy, trong nhiều trường hợp điều kiện bắt buộc của các hợp đồng vũ khí chính là chuyển giao công nghệ.