Cuộc đàm đạo cũng được truyền trực tiếp trên làn sóng của hai đài phát thanh lớn. Đã thành truyền thống là cuộc phỏng vấn Thủ tướng Chính phủ về kết quả hoạt động trong năm thường chủ yếu dành quan tâm cho những vấn đề đối nội. Tuy vậy, hàng loạt nội dung thảo luận đã vượt ra ngoài khuôn khổ chủ đề nội bộ Nga.
"Chúng ta có nhiệm vụ tái trang bị vũ khí, thiết bị quân sự mới đến 70% vào năm 2020 cho lực lượng vũ trang của đất nước. Nhiệm vụ này sẽ được hoàn thành. Không thể có bất kỳ nghi ngờ gì về điều đó. Vì sao? Bởi không một quốc gia nào có thể hy sinh vấn đề an ninh và quốc phòng, kể cả đất nước nhỏ bé nhất. LB Nga của chúng ta là đất nước rộng lớn nhất thế giới, với đường biên giới dài nhất. Nếu ta không có lực lượng vũ trang bình thường, thì đơn giản là ta sẽ không có đất nước”.
Trong quá trình giao lưu của người đứng đầu Chính phủ với các nhà báo dẫn những kênh truyền hình hàng đầu, cuộc trò chuyện đã đề cập đến khía cạnh sự tác động từ biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với nền kinh tế Nga. Cụ thể, về hiện tượng đất nước thiếu vắng lối tiếp cận những thị trường tài chính quan trọng. Theo quan điểm của ông Medvedev, thật ra điều đó không quá tệ mà lại là thúc đẩy để huy động lực lượng và khai mở nguồn phát triển nội bộ:
"Chúng ta lần đầu tiên đã nhận thức được những khả năng kinh tế nội địa của mình. Giờ đây chúng ta hiểu nội lực của kinh tế Nga. Trên thực tế nền kinh tế Nga đã chứng tỏ sức mạnh tự lập tự cường của nó. Cần nói thẳng là không phải đất nước nào cũng có nền kinh tế tự lập tự cường, một số quốc gia không thể tồn tại nếu không có sự trợ giúp từ bên ngoài. Nhưng đất nước Nga chắc chắn có thể sống và phát triển, thậm chí cả trong điều kiện như vậy”.
Theo quan điểm của nhà lãnh đạo Chính phủ, hiện thực kinh tế Nga đã sẵn sàng thay thế nhập khẩu. Những chỉ số không tồi biểu thị trong các ngành công nghiệp như hóa chất và dược phẩm, cũng như trong nông nghiệp. Và không chỉ có vậy.
Ông Dmitry Medvedev nói: "Chúng ta đã có thể xốc dậy một số ngành khác, vốn trước đây suốt thời gian dài từng ở tình trạng gần như chững lại hoặc trì trệ không hoạt động. Chẳng hạn như ngành đóng tàu và chế tạo động cơ. Đó quả thực là kỹ thuật nghiêm túc của thế kỷ XXI. Đúng, thay thế nhập khẩu diễn ra không nhanh chóng như chúng ta muốn. Nhưng mặt khác phải thấy rằng không thể chỉ trong vòng hai năm trên cơ sở nền sản xuất hậu xô-viết mà tạo ra được nền công nghiệp mới, thí dụ như ở Đức hoặc Nhật Bản. Còn sau 10 năm thì chúng ta hoàn toàn đủ sức thực hiện và đưa Nga tiến vào hàng ngũ những quốc gia tự chế tạo máy móc và kỹ thuật tiên tiến để cung cấp cả cho những nước khác”.
Tuy nhiên, sử dụng tốt hơn nữa những nguồn dự trữ nội địa và thay thế nhập khẩu hoàn toàn không đồng nghĩa với chính sách tự cô lập. Thủ tướng Dmitry Medvedev kiên quyết phản bác những cố gắng cáo buộc Nga và chính phủ của đất nước trong việc này.
"Về xu hướng tự cô lập, tôi nghĩ rằng ở nước ta tuyệt nhiên chẳng có gì giống như vậy. Liên bang Xô-viết trước đây cũng không phải là xã hội hoàn toàn đóng kín, chứ chưa nói tới cuộc sống hiện đại ngày nay. Tự cô lập chắc chắn không phải là nhu cầu nội tâm tự thân của con người Nga – kiểu như đóng chặt cửa mọi phía rồi nói rằng chúng tôi chẳng cần cái gì từ bên ngoài… Tất nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là ta phải tha mọi thứ rác ngoại vào nhà mình. Chúng ta cần xuất phát từ lợi ích riêng của mình, từ quyền lợi quốc gia, từ lập trường thực dụng của chính mình. Nhưng từ chối giao lưu với các quốc gia nước ngoài thì chính xác là Nga không làm, và không một ai ở nước ta muốn thế”.