Cuộc khảo sát được tiến hành trong tháng 10 năm 2015, với sự tham gia của 1.600 người trên 18 tuổi từ 46 khu vực của Nga.
Cuộc thăm dò ý kiến cho thấy 59% người Nga ủng hộ chính sách của chính phủ Nga liên quan đến việc Nga “xoay trục về phía Đông", trong khi 23% cho rằng cần hành động thận trọng hơn, và chỉ có 5% số người được hỏi cho rằng Nga nên từ bỏ ý tưởng về các ưu tiên phát triển quan hệ kinh tế với các nước châu Á.
Mối quan tâm chính của người dân Nga về “chính sách đảo chiều sang phía Đông" chủ yếu liên quan đến với việc ngày càng tăng dòng chảy hàng hóa kém chất lượng từ châu Á Thái Bình Dương (64%), cũng như dòng người di cư từ châu Á Thái Bình Dương (61%). Đồng thời 9% số người được hỏi quan ngại về chuyện “Nga xoay trục hướng về phía Đông," vì cho rằng Trung Quốc sẽ sử dụng Nga để tăng cường ảnh hưởng của mình trên thế giới.
Từ Bắc Kinh, ông Evgeni Tomikhin, tham tán Đại sứ quán Nga tại Trung Quốc bình luận về kết quả cuộc khảo sát này:
"Các nghiên cứu xã hội học có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ để hiểu được tâm trạng xã hội. Chúng ta cần phải suy nghĩ về những gì cần phải làm để thay đổi tâm trạng xã hội theo chiều hướng tích cực hơn. Các kết quả nghiên cứu rất thú vị, và tôi đồng ý với chúng. Tuy nhiên, tôi muốn đề cập đến một điểm. Rất nhiều đồng nghiệp Trung Quốc và Nga của chúng tôi quen nói về " Nga chuyển hướng về phía Đông." Có lẽ điều này là không hoàn toàn đúng, bởi vì quan hệ Nga-Trung Quốc, sự hợp tác của Nga với các đối tác châu Á khác đã được hình thành từ lâu.”
Quan hệ kinh tế của Nga với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục phát triển, nhờ vào việc tạo ra các khu vực ưu tiên phát triển ở Viễn Đông, cũng như việc áp dụng cảng tự do Vladivostok, vùng lãnh thổ duy trì chế độ hỗ trợ kinh doanh đặc biệt. Lần đầu tiên, các khu vực ưu tiên phát triển ở Amur và Yakutia đã có các công ty nước ngoài đầu tư, (hiện tại chủ yếu là Trung Quốc), và số lượng này sẽ phát triển.