Washington và Seoul đang thảo luận về việc tái triển khai hơn nữa các lực lượng chiến lược của Mỹ trong khu vực. Kim Jong-un cam kết sẽ đáp trả bằng cuộc tấn công nhiệt hạch. Nhưng thực ra việc giảm thiểu căng thẳng có thể thực hiện một cách khá dễ dàng.
Đáp lại tuyên bố của Bình Nhưỡng về việc tổ chức cuộc thử nghiệm bom nhiệt hạch hôm 06 tháng 1, Hoa Kỳ đã chuyển máy bay ném bom chiến lược B-52 và tên lửa hành trình trang bị đầu đạn hạt nhân với tầm bắn lên tới 3.000 km từ Guam đến Hàn Quốc. Hiện tại đang thảo luận về khả năng đưa tàu sân bay hạt nhân "Ronald Reagan" từ căn cứ Mỹ ở Nhật Bản tới bờ biển bán đảo Triều Tiên.
Tờ báo trung ương Bắc Triều Tiên "Rodong Sinmun" cáo buộc Hoa Kỳ dùng các hành động như vậy để "đẩy tình hình tới bờ vực chiến tranh" và cam kết rằng Bắc Triều Tiên sẽ đáp trả "hạt nhân bằng hạt nhân".
"Tình hình thật sự vô cùng nguy hiểm. Thậm chí một chiếc B-52 cũng có thể tấn công vào các mục tiêu chính ở Bắc Triều Tiên, bao gồm cả trung tâm chỉ huy và các tòa nhà chính phủ. Đưa thêm các loại vũ khí chiến lược của Mỹ tới Hàn Quốc có thể khiến Seoul và Washington gia tăng cám dỗ giáng đòn phủ đầu đối với Bắc Triều Tiên. Giả sử rằng vũ khí hạt nhân và vũ khí nhiệt hạch của Bắc Triều Tiên không phải là trò lừa bịp, mà Bắc Triều Tiên có thể chĩa hàng trăm tên lửa tầm trung với đầu đạn thông thường vào các mục tiêu Seoul và các cơ sở khác ở Hàn Quốc để đáp trả đe dọa, cuộc tấn công phủ đầu của Hoa Kỳ và Hàn Quốc có thể rất mạnh mẽ. Có nghĩa rằng con số nạn nhân trong dân thường ở Bắc Triều Tiên sẽ lên đến hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm ngàn người, nếu như không phải hàng triệu."
Và nếu cho rằng Bắc Triều Tiên thực sự không có bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào, và tất cả những thử nghiệm hạt nhân chỉ cần thiết để Bình Nhưỡng gây chú ý nhằm buộc Washington tham gia đối thoại, thì hóa ra rằng tất cả những người dân thường ở Bắc Triều Tiên sẽ bị giết chỉ vì người Mỹ ngoan cố từ chối đàm phán trực tiếp với Kim Jong-un. Bởi vì Bình Nhưỡng chỉ cần Washington đảm bảo rằng Hoa Kỳ sẽ không cố gắng thay đổi chế độ ở Bắc Triều Tiên thông qua các phương tiện quân sự, như họ từng làm ở Nam Tư, Iraq và Afghanistan. Sau khi nhận được đảm bảo như vậy, Kim Jong-un sẽ có cơ hội tiến hành những cải cách kinh tế đã được khởi xướng theo mô hình Trung Quốc, biến Bắc Triều Tiên thành một quốc gia hoàn toàn bình thường. Nhưng viễn cảnh này có vẻ không làm cho người Mỹ hài lòng. Cũng như Mỹ không thể chấp nhận một nước Trung Quốc với nền kinh tế phát triển, trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ của Hoa Kỳ. Mỹ không thể dùng phương tiện quân sự để loại bỏ đối thủ cạnh tranh này, họ đã bỏ qua cơ hội. Và có lẽ Mỹ sẽ không muốn bỏ lỡ cơ hội trong trường hợp Bắc Triều Tiên. Có lẽ là Washington không xem xét phương án lựa chọn ràng buộc Bình Nhưỡng thông qua phát triển quan hệ hợp tác song phương Mỹ-Bắc Triều Tiên. Họ sẵn sàng dành ưu tiên cho cách giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên một cách dễ dàng hơn theo quan điểm của Mỹ: đó là sử dụng vũ lực.
Nhưng nếu Bắc Triều Tiên thực sự sở hữu vũ khí hạt nhân thì sao? Và nếu cuộc thử tên lửa đạn đạo từ vị trí ngầm dưới nước mà Bình Nhưỡng tuyên bố gần đây không phải là bịa đặt và không phải là video clip giả? Khi đó, các hoạt động nhằm bình định Bắc Triều Tiên có thể gây ra nhiều thương vong và tàn phá trên diện rộng, không chỉ ở bắc bán đảo Triều Tiên, mà còn ở miền Nam, và thậm chí ở Nhật Bản, nơi có căn cứ quân sự của Mỹ mà CHDCND Triều Tiên có thể tấn công bằng tên lửa đạn đạo.
Như vậy, có lẽ nên từ bỏ thói quen rút súng một cách cao bồi và nỗ lực tiến hành đàm phán?