Mọi người đều biết tên tuổi các nhân vật kiệt xuất là nhà quản lý, tướng lĩnh, nhà lãnh đạo tinh thần… ở mức này mức khác đã có tác động tích cực (hoặc tiêu cực) vào quá trình lịch sử của khu vực hoặc toàn cầu. Tần Thủy Hoàng, Pyotr Đại đế, Khổng Tử, Napoleon, Thành Cát Tư Hãn, Lenin, Mahatma Gandhi, Hồ Chí Minh…
Song, có cả những danh tính phụ nữ đã được ghi vào lịch sử. Nữ hoàng Anh Elizabeth I, Nữ hoàng Tây Ban Nha Isabella đã gửi đoàn thám hiểm của Columbus tới Mỹ, Nữ hoàng Nga Ekaterina II, Từ Hy Thái hậu của Trung Quốc, bà Margaret Thatcher, bà Indira Gandhi, bà Aung San Suu Kyi…
Nhà sử học Nga Maxim Syunnerberg lãnh đạo đề án nghiên cứu về vai trò của phụ nữ trong lịch sử và đời sống chính trị-xã hội đương đại Việt Nam, nhấn mạnh rằng, những nhân vật nữ giới cũng đóng vai trò không kém quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Phần đầu tiên của công trình nghiên cứu viết về những người phụ nữ Việt Nam lỗi lạc hồi thế kỷ X-XIII. Tác phẩm này vừa được xuất bản ở Matxcơva trong tập thứ IV của "Thuyết trình Guber".
Tác giả viết, sau vài thế kỷ đầu của "thời Bắc thuộc", khi Hai Bà Trưng rồi Bà Triệu rạng danh với chiến công chống ngoại xâm, thì những thời kỳ lịch sử Việt Nam tiếp theo — như mô tả trong các công trình nghiên cứu và giáo khoa — chủ yếu là kết quả hoạt động của các đại diện nam giới. Ghi chép những sự kiện quan trọng nhất đối với đất nước, nhiều khi các tác giả thậm chí không nhắc đến tên tuổi những người phụ nữ. Điều này lý giải bởi thực tế rằng, hầu hết các biên niên chính sử của Việt Nam, là cơ sở để nghiên cứu và soạn sách giáo khoa, đều là do các tác giả Nho học viết nên. Xuất phát từ quan điểm Nho giáo, họ không thừa nhận ảnh hưởng lớn của nữ giới trong xã hội, không thấy vai trò của phụ nữ cũng như sức cuốn hút của phụ nữ đối với các bậc nam nhi. Cách tiếp cận như vậy khá khác biệt với đặc điểm tâm lý người Việt vốn hình thành từ nhiều thế kỷ trước khi Nho giáo du nhập và chiếm vị trí chủ đạo trong hệ tư tưởng nhà nước.
Trên cơ sở phân tích các dữ liệu chính sử, dã sử và truyền thuyết, nhà khoa học Nga rút ra kết luận rằng, lịch sử Việt Nam được viết nên không chỉ bởi nam giới. Nhiều sự kiện quan trọng nhất gắn bó trước hết với cuộc tranh đấu giành quyền bính cao cấp trong nước đã diễn ra với sự tham gia trực tiếp của những người phụ nữ, họ thường là nhân vật khởi xướng sáng kiến và đóng vai trò chủ chốt trong những sự kiện nổi bật. Để khẳng định kết luận này, nhà sử học Nga dẫn ra khảo cứu của ông về tiểu sử các nhân vật phụ nữ tiêu biểu như bà Dương Thị Như Ngọc và Dương Vân Nga. Tác giả lưu ý rằng, trong thế kỷ X, khi dấu vết của chế độ mẫu hệ vẫn rõ nét ở Việt Nam, phụ nữ đã là yếu tố quan trọng nhất trong động thái hợp pháp hóa vị thế của nhà lãnh đạo quốc gia.
Trong thời Hậu Lý, vai trò của phụ nữ, trước hết trên vũ đài chính trị, đã tăng lên. Đó là thời đại khi trọng trách cai quản đất nước trao cho những vị vua tuổi đời còn non trẻ, và họ chỉ có thể giữ quyền lực nhờ vào tính cách mạnh mẽ của người mẹ. Những người mẹ với cá tính mạnh mẽ ấy là Ỷ Lan phu nhân — thân mẫu vua Lý Nhân Tông, Hoàng thái hậu Linh Chiếu — thân mẫu vua Lý Anh Tông, và Thục phi Đỗ Thụy Châu — thân mẫu vua Lý Cao Tông, trên thực tế tất cả đều đảm trách vai trò vị nhiếp chính của con trai mình.
Nhà sử học Maxim Syunnerberg kết luận, rõ ràng là trong những thế kỷ X-XIII, phụ nữ đã đóng vai trò vô cùng trọng yếu trên vũ đài chính trị Việt Nam.