Khi đó, về ý thức hệ, Hà Nội gần gũi Bắc Kinh hơn với Moskva. Khi đó Hà Nội cũng như Bắc Kinh không tán thành chính sách chung sống hòa bình mà nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev theo đuổi. Moskva cho rằng viện trợ của Liên Xô trực tiếp cho Việt Nam sẽ gây xung đột quân sự với Hoa Kỳ. Có những lý do nghiêm trọng cho giả định đó. Chỉ mới hai năm trước khi xảy ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ, việc Liên Xô đưa tên lửa tới Cuba đã đặt cả thế giới trên bờ vực một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa hai siêu cường. Vì vậy mà ban lãnh đạo Liên Xô đã hạn chế bằng cách chỉ lên tiếng tố cáo hành động hiếu chiến của Mỹ chống VNDCCH. Thời kỳ đó Việt Nam và Trung Quốc đều lên án tư tưởng "xét lại hiện đại" của lãnh đạo Liên Xô — mặc dù Việt Nam thực hiện việc đó không quá sốt sắng và thô bạo như Trung Quốc.
Hà Nội và Bắc Kinh cũng gắn bó chặt chẽ với nhau về mặt quân sự. Giữa hai nước đã có thỏa thuận ngầm về việc quân đội Trung Quốc sẽ sang giúp Việt Nam trong trường hợp quân đội Mỹ đổ bộ vào miền Nam. Tuy nhiên, tháng Hai năm 1965, sau khi Mỹ tiếp tục ném bom miền Bắc Việt Nam và các sư đoàn Mỹ tiến vào miền Nam Việt Nam, thỏa thuận đó không được thực hiện.
Cũng nhân tiện nói thêm rằng, vấn đề phái quân đội chủ lực Trung Quốc sang Việt Nam lại được nêu lên vào mùa thu năm 1967. Khi đó Mao Trạch Đông đã gửi cho Chủ tịch Hồ Chí Minh một bức thư mật, trong đó viết rằng, theo thông tin tình báo Trung Quốc, Mỹ đang có kế hoạch tiến hành một cuộc đổ bộ lớn xuống miền Bắc nhằm chiếm đóng Việt Nam. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đề xuất giúp Việt Nam đối phó với Mỹ bằng cách đưa quân đội Trung Quốc vào lãnh thổ Việt Nam. Hồ Chủ tịch đáp rằng, Việt Nam không có thông tin nào tương tự và không cần sự hỗ trợ của Trung Quốc. Khi đó, vào năm 1967, Hà Nội đã lựa chọn sự giúp đỡ của Liên Xô.
Nói về Washington, sau cuộc tấn công vào miền Bắc Việt Nam hồi tháng Tám năm 1964, phía Mỹ chờ đợi trong sáu tháng để xem đồng minh của Hà Nội sẽ có phản ứng như thế nào. Và chỉ đến tháng Hai năm 1965, Washington mới bắt đầu cuộc leo thang quân sự chống Việt Nam.
Vào thời điểm đó, tình hình ở Liên Xô cũng đã thay đổi. Nikita Khrushchev đã không còn lãnh đạo đất nước. Ban lãnh đạo mới của Liên Xô tuyên bố sẵn sàng viện trợ rộng rãi cho VNDCCH. Tháng Hai năm 1965, đoàn đại biểu của Liên Xô, đứng đầu là Thủ tướng Kosygin đã tới Hà Nội. Khi đó, vấn đề Liên Xô cung cấp viện trợ quân sự cho Việt Nam đã được bàn bạc. Tại Hà Nội, hai bên chỉ còn thỏa thuận thêm về phạm vi và tiến độ của sự viện trợ này. Cuộc thương thảo được tiến hành với các nhà lãnh đạo Việt Nam như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp.
Và chính trong giai đoạn tiến hành đàm phán, Không quân Mỹ đã giáng đòn không kích lần thứ hai xuống Việt Nam. Nếu như Hoa Kỳ dự định đe dọa lãnh đạo Liên Xô, cảnh báo Liên Xô đừng cung cấp viện trợ cho Việt Nam, thì kết quả là ngược lại.
Theo các nhân chứng, vốn là người luôn luôn trầm tĩnh và kín đáo, khi đó Thủ tướng Kosygin đã nổi giận vì sự trắng trợn của người Mỹ. Ngừng cuộc đàm phán, ông gọi điện về Moskva báo cáo tình hình với ban lãnh đạo đất nước. Ông Kosygin nêu ý kiến rằng, sự đáp trả tốt nhất đối với hành động hiếu chiến của Mỹ là cần viện trợ quân sự một cách nhanh chóng và quy mô lớn cho Việt Nam.
Quan điểm của Kosygin được Moskva hoàn toàn ủng hộ. Tại cuộc đàm pháp tiếp tục ở Hà Nội, hai bên đã đạt được tất cả các thoả thuận thích hợp. Đặc biệt là Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ thành lập bốn trung đoàn tên lửa, gửi các chuyên gia quân sự xô viết, các thiết bị quân sự và vũ khí hiện đại nhất của Liên Xô cho Việt Nam.
Trước đây, sự tham gia của các chuyên gia quân sự Liên Xô trong cuộc chiến tranh Việt Nam được giữ trong bí mật. Sau đó câu chuyện lại chuyển hướng sang một thái cực khác —người ta nói đến chuyện các phi công quân sự Liên Xô bắn rơi máy bay Mỹ trên bầu trời Việt Nam, về các điệp viên Liên Xô bắt phi công Mỹ làm tù binh để thẩm vấn…
Tôi đã có dịp nói chuyện với nhiều cố vấn quân sự, các quan chức chính phủ, các nhà lãnh đạo đảng Liên Xô liên quan đến công việc viện trợ cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã có cơ hội làm quen với nhiều tài liệu lưu trữ về đề tài này. Tất cả những gì tôi được biết cho phép tạo ra một bức tranh rõ ràng về những gì đã xảy ra và những gì không hề xảy ra trong giai đoạn lịch sử khó khăn nhất của Việt Nam, trong quá trình thử thách nghiêm trọng nhất về sức mạnh và sự bền vững của sự hợp tác Nga-Việt và sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước. Mời các bạn đón nghe vấn đề đó trong các cuộc mạn đàm tiếp theo thuộc chương trình "Nhìn lại ngày hôm qua" của đài chúng tôi.