Cuộc gặp của Đại Giáo chủ Kirill và Giáo hoàng Francis kéo dài hơn hai giờ.
Trong quá trình cuộc gặp, các vị lãnh đạo tôn giáo đã trao cho nhau những món quà tặng quí giá — Đại Giáo chủ Kirill tặng Giáo hoàng Francis bức tranh thánh Kazan biểu tượng Đức Mẹ Thiên Chúa và cuốn sách của ông nhan đề "Tự do và Trách nhiệm" bằng tiếng Tây Ban Nha. Đến lượt mình, Giáo hoàng đã trao tặng Đại Giáo chủ món quà là phần thánh tích biểu tượng sức mạnh của Thánh bảo trợ Kyrill và chiếc chén lễ.
Như đã chờ đợi trước đó, duyên do chính của việc thông qua Tuyên bố chung là những dấu hiệu chỉ báo vấn đề gia tăng đàn áp Kitô hữu trên thế giới. "Cái nhìn của chúng ta trước hết hướng tới những khu vực trên thế giới, nơi các Kitô hữu đang phải chịu cảnh bị bách hại. Ở nhiều nước Trung Đông và Bắc Phi, các anh chị em con cái Thiên Chúa đang bị hủy diệt nguyên cả những thành phố và làng mạc…Chúng ta đau đớn chứng kiến hàng loạt các Kitô hữu phải rời bỏ mảnh đất nơi từng bắt đầu truyền bá đức tin của chúng ta", — là nhận định chung trong văn kiện.
Như nêu trong Tuyên bố, bạo lực khủng bố tại Syria và Iraq "đã cướp đi hàng nghìn sinh mạng, làm hàng triệu người mất hết nhà cửa và phương tiện sống còn". Đại Giáo chủ và Giáo hoàng kêu gọi cộng đồng quốc tế "hãy có hành động không chậm trễ để ngăn chặn cảnh đàn áp xua đuổi các Kitô hữu từ Trung Đông", cũng như đoàn kết lại "để kết liễu bạo lực và khủng bố".
Các vị lãnh đạo hai Giáo hội đặc biệt lưu tâm đến tình trạng gia tăng căng thẳng ở Ukraina, nơi cuộc đối đầu là nguyên nhân gây ra "vô số đau khổ của dân lành, xô đẩy xã hội rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo sâu sắc".
Trong Tuyên bố chung, Đại Giáo chủ Kyrill và Giáo hoàng Francis kêu gọi các nhà thờ không hỗ trợ đẩy tăng xung đột trong nước, cũng như bày tỏ sự trông đợi rằng cảnh chia rẽ giữa các tín đồ Chính thống ở Ukraina sẽ được khắc phục.
Một trong những thông điệp then chốt gửi gắm trong bản Tuyên bố đã được thông qua là bảo tồn những giá trị truyền thống ở châu Âu. Như nhận định trong văn kiện này, tiến trình hội nhập liên kết châu Âu, bắt đầu sau nhiều thế kỷ xung đột đẫm máu, đã được nhiều người tiếp nhận với niềm hy vọng như là đảm bảo của hòa bình và an ninh. Đồng thời các vị đứng đầu Giáo hội Chính thống Nga và Giáo hội Công giáo La Mã cũng cảnh báo "chống lại lối hội nhập không tôn trọng bản sắc tín ngưỡng".
Nhân sự kiện kỳ vĩ này, ông Leonid Slutsky, Chủ tịch Ủy ban Duma Quốc gia Nga về liên hệ với đồng bào kiêm lãnh đạo Quỹ Hòa bình Nga, có nhận xét rằng đã diễn ra "cuộc gặp lịch sử và thời đại", là kết quả của "công việc lâu dài, cần mẫn và có thể nói không hề phóng đại là công việc quan trọng nhất nhằm thiết lập liên hệ giữa Giáo hội Matxcơva và Tòa Thánh Vatican".