Hai năm trước, theo sáng kiến của một nhà ngữ văn học Việt Nam đang sinh sống tại Matxcơva là TS Nguyễn Huy Hoàng, đã hình thành một đội ngũ sáng tạo Việt-Nga với nhiệm vụ dịch "Kiều" sang tiếng Nga. Mỗi người có phần đóng góp từ góc độ của mình, nhưng điểm chung là tâm huyết và kiến thức của các thành viên đã là bệ phóng cho phép trong khoảng thời gian ngắn thực hiện nhiệm vụ khác thường là chuyển ngữ một tác phẩm kinh điển phức tạp như vậy.
Thành quả của công việc chung đã là gần như cùng lúc có hai phiên bản "Kiều" bằng tiếng Nga. Người dịch "Kiều" là một trong những nhà Nga học xuất sắc nhất của Việt Nam — NGUT Vũ Thế Khôi. Trên cơ sở bản dịch nghĩa của Vũ Thế Khôi, nhà thơ trẻ Vasili Popov chuyển nội dung "Kiều" thành dạng thơ Nga. Bản "Kiều" thứ hai, có hình thức thơ tự do và đầy đủ hơn, vẫn là bản dịch của ông Vũ Thế Khôi nhưng được PGS-TS Ngữ văn Nga Sofia Korchikova hiệu đính. Cả hai bản đều in tại Hà Nội: Cuốn "Kiều" dạng thơ có vần điệu được xuất bản tại Nhà xuất bản "Khoa học xã hội", còn "Kiều" dạng thơ tự do thì được Nhà xuất bản "Thế giới" ấn hành.
Mới đây, tại trụ sở Hội Hữu nghị Nga-Việt ở Matxcơva đã tổ chức buổi lễ long trọng dành riêng giới thiệu lô sách "Kiều" tiếng Nga đầu tiên được chuyển đến thủ đô Nga. Nhà Việt Nam học nổi tiếng của Nga, ông Evgeny Kobelev nhận cuốn "Kiều" tiếng Nga và khoe với mọi người cuốn "Kiều" giấy cũ vàng khổ nhỏ, in tiếng Việt. Ông kể:
"Tôi đọc "Kiều" lần đầu tiên bằng nguyên bản tiếng Việt vào năm 1958, khi đến học tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Và tôi lập tức nảy ra ý tưởng dịch tác phẩm này sang tiếng Nga. Mong muốn ấy không thành vì công tác bận rộn của nghề báo trong những năm Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, rồi sau đó là hoạt động ngoại giao theo hướng Việt Nam. Tôi hết sức vui mừng vì sau gần 60 năm, mơ ước của tôi đã được các nhà tổ chức, biên dịch, biên tập và nhà thơ của hai nước thực hiện xuất sắc. "Kiều" là tác phẩm thiên tài, mang ý nghĩa triết lý sâu sắc và đến hôm nay vẫn vẹn nguyên tính thời sự và bản chất nhân văn".
Một trong những người Nga đầu tiên đọc "Kiều" bằng bản thơ tiếng Nga là Chủ tịch Hội hữu nghị Nga-Việt Vladimir Buyanov. Tại buổi lễ trong trụ sở Hội, ông nói:
"Tôi may mắn có mặt tại lễ ra mắt cuốn "Kiều" tiếng Nga thứ nhất hồi năm ngoái ở Hà Nội. Ở Nga cho đến nay chưa có bản dịch "Kiều" hoàn chỉnh mà chỉ có một vài trích đoạn. Bây giờ, nhiều thành viên của Hội chúng tôi sẽ có dịp làm quen với văn bản khá đầy đủ của tác phẩm này. Dịch "Kiều" là sự kiện có ý nghĩa quan trọng to lớn đối với sự hợp tác văn hóa giữa hai nước cũng như trong đời sống văn học đương đại của Nga".
Nhưng, việc dịch và xuất bản "Kiều" bằng tiếng Nga sẽ là không thể, nếu như không có sự giúp đỡ tài trợ của ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hội Người Việt ở khu vực Sverdlovsk của nước Nga. Trả lời phỏng vấn của đài "Sputnik", doanh nhân Việt kể rằng ông là người đồng hương với đại thi hào Nguyễn Du, là học sinh của ngôi trường trung học được mang tên nhà thơ lớn của dân tộc. Ông Hoàng Văn Vinh cũng là người coi nước Nga như ngôi nhà thứ hai vô cùng gắn bó, bởi vậy ông tự thấy trách nhiệm của mình là dành hỗ trợ tài chính cần thiết để người dân Nga có cơ hội thưởng thức một kiệt tác thi ca Việt Nam.
Khi được hỏi ông đánh giá như thế nào về việc hoàn thành nhanh chóng công việc dịch thuật phức tạp với tác phẩm này, ông Hoàng Văn Vinh đáp rằng, thật sự không tìm được lời biểu dương nào xứng đáng dành cho công việc của nhóm sáng tạo để đưa "Kiều" đến với bạn đọc Nga.
Quả thực, những người làm việc trực tiếp với chữ nghĩa của bản dịch "Kiều" lại rất khiêm tốn. Những người dịch và hiệu đính nói rằng thành quả công việc mà họ đã làm chỉ là bản dịch đầu tiên tương đối gần gũi với tác phẩm gốc. Xin nói thêm, cả hai cuốn "Kiều" đều được in dưới dạng song ngữ. Cuốn "Kiều" thứ nhất gốm hai phần — thơ tiếng Nga rồi đến nguyên bản tiếng Việt. Còn cuốn "Kiều" thể thơ tự do thì in tiếng Việt-Nga trên hai trang áp nhau, tiện theo dõi và đối chiếu.
"Vạn sự khởi đầu nan" — nhưng những kinh nghiệm tổ chức, dịch thuật và hình thức của cả hai cuốn "Kiều" chắc chắn là sẽ rất hữu ích để trong tương lai hy vọng có bản "Kiều" tiếng Nga hoàn hảo hơn.
Tại buổi lễ ở Matxcơva, các thành viên của nhóm sáng tạo có đóng góp vào công trình dịch xuất bản "Kiều" đã được trao tặng Kỷ niệm chương của Hội Hữu nghị Nga-Việt và Hội Hữu nghị Việt-Nga, ghi nhận công lao trong sự nghiệp phát triển giao lưu văn hóa-nghệ thuật giữa hai nước.