Đã có cả sự chia rẽ trong nội bộ quân đội, khi một số binh sĩ bị quyến rũ bởi những lời hứa hẹn và tiền bạc của những chính trị gia hải ngoại đã tuyên bố đào ngũ và thậm chí chạy sang phía các hình thái vũ trang bất hợp pháp.
Trong tất cả những sự kiện và nỗi thăng trầm đó hiện hữu những con người bằng xương bằng thịt chứ không chỉ có xe tăng và súng máy. Những con người khi nào đó từng ấp ủ ước mơ và kỳ vọng của bản thân. Những ước mơ này đã bị dẹp đi bởi một điều — hy sinh cho mơ ước của dân tộc, cho cuộc sống của mọi người trong hòa bình và phồn vinh trên quê hương.
Đại diện Sputnik đã nêu câu hỏi với một số quân nhân-chiến sĩ mặt trận, rằng những người lính hôm nay hình dung như thế nào về tương lai của họ sau chiến tranh.
Tiếp tục học tập bằng mọi giá
Anh lính Hamza Ismail 26 tuổi, quê ở tỉnh Hama kể với nhà báo Sputnik rằng lần gần nhất anh nhìn thấy gia đình mình là cách đây 3 năm. Suốt thời gian qua anh sống trong một "gia đình" mới gồm 10 binh sĩ được huấn luyện của quân đội Syria, cùng có chung mục đích và nhiệm vụ là chiến đấu giải phóng đất nước khỏi những tên khủng bố.
"Ngay sau lễ tốt nghiệp, tôi liền nhập ngũ. Tôi mơ ước trở thành Thạc sĩ rồi sau đó sẽ nghiên cứu để lấy bằng Tiến sĩ. Nhưng dân tộc tôi quan trọng hơn mọi thứ trên thế gian này. Hoàn cảnh buộc chúng tôi phải thay đổi những hạng mục ưu tiên trong đời sống", — Hamza nói.
Nhìn về tương lai, Hamza thấy mình trong vai trò người chồng và người cha của một gia đình lớn, làm việc tại ngân hàng tư nhân trong nước. Anh lính cam đoan dù thế nào chăng nữa cũng nhất định sẽ hoàn thành con đường học vấn, và nhận được bằng cấp như mong muốn. Còn hiện thời, cuộc chiến đấu đang đòi hỏi hy sinh.
Chiến tranh không cho con chôn cất cha
Từ những ngày đầu chiến tranh kỹ sư Tammam Maala đã phải biết đến mùi đất đào lên trong chiến hào, và thấy bụi mù khi quả trái phá nổ tung. Năm 2010, anh nhận bằng đại học về chuyên ngành công trình dân dụng, thế nhưng chỉ một năm sau trong nước nổ ra xung đột vũ trang. Kể từ đó, hành trang bất ly thân của chàng kỹ sư trẻ trên chiến trường là súng ống. Nhiều lần anh bị thương nặng. Ban chỉ huy khuyên Tammam Maala rời tuyến mặt trận vì lý do sức khỏe, nhưng câu trả lời luôn là một và không đáng ngạc nhiên đối với những người lính như anh…
"Hết lần này đến lần khác tôi trở lại tiền tuyến. Trong khi tôi ở đây chiến đấu, cũng có nhiều chuyện xảy ra với gia đình tôi. Đáng sợ nhất là ông Basem cha tôi từ trần trong thời gian này, mà tôi không thể về dự lễ tang. Đối với tôi đó là vết thương lớn mãi không thể lành, bởi tôi không kịp nhìn cha lần cuối và vĩnh biệt ông. Tôi ghi nhớ lời cha nói khi tôi lại ra trận, cha nắm tay tôi và bảo rằng "Ta tự hào vì con trai ta trong đội ngũ những anh hùng của đất nước", — Tammam kể đầy xúc động.
Cũng giống như các đồng đội, Tammam mơ ước ngày hòa bình lập lại ở Syria. Khi đất nước thanh bình, tất cả sẽ được yên ổn để bắt đầu nghĩ đến việc lập gia đình riêng.
"Tôi mơ sẽ cho con trai tôi được mang tên ông nội, để làm dịu ngon lửa đau buồn luôn hun đốt trái tim tôi", — Tammam nói.
Đi qua cuộc chiến với giấc mơ về gia đình
Anh Mohamed Ammar 28 tuổi từ Tartus vốn có chuyên môn kế toán, còn trong thực tế hôm nay là chiến sĩ mặt trận. Anh cũng đã lập tức lên đường bảo vệ quê hương khi nghe nói rằng chiến sự đã nổ ra ở Syria.
"Lúc đầu tôi thử xung phong vào đội chiến sĩ tình nguyện, tuy nhiên người ta cứ từ chối tôi mà chẳng nêu lý do gì. Nhưng cuối cùng họ xếp tôi vào đội dự bị, và trong quân đội tôi cố gắng làm việc theo chuyên môn. Rồi chiến tranh lan rộng, tất cả chúng tôi được gửi ra tuyến đầu, nơi tất cả mọi người đều như nhau, bất kể trình độ học vấn hay nghề nghiệp chuyên môn", — Mohammed nói.
Ước mơ thiêng liêng nhất của anh cũng là một gia đình đầm ấm. Vì mơ ước này, anh sẵn sàng chờ đợi và chiến đấu.
Học tập cả trước và sau chiến tranh
Người lính tên là Adnan Al-Ahmad mong rằng bà mẹ của anh sẽ tin vào ngày mai chiến thắng. Cũng như cả nước, gia đình Adnan đang ngóng chờ người anh hùng của họ còn sống trở về khỏe mạnh an toàn. Trước khi lao vào cuộc chiến, Adnan học ngành Luật.
"Điều khiến tôi bực nhất là có nhiều người Syria viết ra bao nhiêu lời hùng hồn trong các mạng xã hội nhưng chính họ lại chạy trốn cuộc chiến và tìm đến bến bờ ấm áp của các nước phương Tây. Cuộc sống của chúng tôi trong nước đã biến thành đống đổ nát, các đường phố tràn ngập hình ảnh các liệt sĩ. Chúng tôi sống hôm nay chỉ với suy nghĩ duy nhất về chiến thắng", — Adnan nhấn mạnh và cho biết rằng anh có kế hoạch tiếp tục việc học của mình sau chiến tranh.
Khi mọi ước mơ riêng tan vỡ cho một mơ ước chung
Trong số các binh sĩ có những người đã kịp lập gia đình, nhận chỗ làm với mức lương tốt, và được đón đứa con ra đời. Nhưng họ đã tiếp nhận tiếng gọi của Tổ quốc lâm nguy như là mệnh lệnh cao cả nhất.
Quân nhân Mohammed Al Akkar 30 tuổi vốn là người đàn ông khá thành đạt, có vợ con và làm quản lý trong một nhà hàng khi chiến tranh nổ ra ở đất nước này.
"Tôi đã quyết định tham gia bảo vệ đất nước. Tôi để lại nhà người vợ hiền và con gái nhỏ xinh xắn mà tôi thường ngắm không chán mắt. Đã ập đến cái ngày định mệnh khi tất cả những giấc mơ riêng của chúng tôi bị phá vỡ vì một ước mơ chung duy nhất là nền hòa bình ở đất nước mình", — Mohammed chia sẻ.
Từ mặt trận, Mohammad thường xuyên liên lạc với vợ và con gái qua điện thoại di động để thông báo rằng mọi chuyện vẫn ổn và anh còn sống.
"Đôi khi vào lúc gọi điện về nhà, tôi chợt nghĩ rằng,"sẽ ra sao nếu đây là lần cuối được nghe giọng nói của họ?"… Nhưng rồi tôi lại lập tức xua đi tất cả những suy tư và cảm xúc như vậy. Đúng là trong cuộc sống của chúng tôi có đổ vỡ và giết chóc, nhưng chúng tôi đang sống trong dự cảm của ngày mai được trở về nhà gặp lại những người thân của mình. Vì rằng chiến tranh không cho phép chúng tôi mơ về bất cứ điều gì khác hơn là mơ ước hòa bình như vậy", — anh Mohammed kết luận.