Năm 2012, hai công ty đã ký thỏa thuận hợp tác về phát triển các dự án chung trong khu vực thềm lục địa Nga, cũng như "Rosneft" sẽ tham gia khai thác dầu khí trên thềm lục địa Na Uy.
"Việc thực hiện các dự án nước ngoài về thăm dò và khai thác là một trong những mục tiêu chiến lược quan trọng nhất của công ty, đóng góp vào tương lai của ngành công nghiệp dầu khí. "Rosneft" là công ty duy nhất trong cả nước tiếp tục làm việc tại các dự án mới trên thềm lục địa. Chúng tôi rất vui mừng là đã bắt đầu giai đoạn quan trọng — khoan giếng thăm dò ở Biển Okhotsk — trong khuôn khổ hợp tác lâu dài với đối tác Statoil của chúng tôi", — chủ tịch quản trị "Rosneft" Igor Sechin cho biết.
Trong thế kỷ XXI, thềm lục địa tiếp giáp với lãnh thổ Nga có thể là nguồn dầu khí chính cho nước Nga và thị trường thế giới. 6.000.000 cây số vuông thềm lục địa của Nga là quyền lợi rất lớn để tìm kiếm dầu lửa và khí đốt. Theo các chuyên gia, năm 2050, thềm lục địa sẽ cung cấp 20-30% tổng khai thác dầu mỏ của Nga.
Từ quan điểm lợi ích thương mại, khai thác dầu mỏ và khí đốt trên thềm lục địa mang lại lợi nhuận trong triển vọng chiến lược. Các dự án thềm lục địa đều có quy mô lớn, và do đó được thiết kế để thực hiện lâu dài. "Ngay cả theo các dự báo bi quan nhất, giai đoạn giá dầu thấp sẽ không kéo dài. Và những người kịp thời chiếm giữ những phân khúc lớn nhất (trên thềm lục địa) sẽ nhận được lợi ích lớn nhất trong tương lai", — các tác giả của bản báo cáo do Viện các vấn đề khu vực Nga chuẩn bị cho biết. Khai thác thềm lục địa phải bắt đầu ngay từ bây giờ để đảm bảo ưu thế trong thời kỳ giá dầu lên cao.
Và giá dầu nhất định sẽ tăng lên. Dầu giá rẻ chỉ là hiện tượng tạm thời và đa phần không có lợi cho bất cứ ai.