Bình luận viên chính trị Dmitry Kosyrev của Hãng tin quốc tế Rossiya Segodnya (Nước Nga ngày nay) viết:
Vào cuối tháng Năm — đầu tháng Sáu, hai bên đã làm sáng tỏ các mối quan hệ quân sự tại diễn đàn "Đối thoại Shangri-La" ở Singapore, ngay sau đó đã tiến hành Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ ở Bắc Kinh. Nếu đáng giá kết quả chung của các hoạt động đó thì có cảm giác rằng, cả Mỹ và Trung Quốc đang cố gắng để bên khác bị ngạt thở hoàn toàn vào cuối nhiệm kỳ tổng thống của Barack Obama.
Mỹ thậm chí không cố gắng chấm dứt các hoạt động của họ trong vùng biển tranh chấp của Biển Đông. Trong những năm gần đây, Mỹ bắt đầu quay trở lại các căn cứ quân sự cũ ở Philippines, bố trí các máy bay do thám tại Singapore, yêu cầu được cấp khả năng tiếp cận căn cứ hải quân Liên Xô cũ tại vịnh Cam Ranh ở Việt Nam. Washington khuyến khích các nước trong khu vực thành lập một liên minh, hứa sẽ không bỏ rơi họ trong cơn hoạn nạn. Và đồng thời khiêu khích Trung Quốc bằng lời nói tại các hội nghị, ví dụ như Singapore. Ngoài ra Hoa Kỳ gửi tàu chiến tới vùng biển tranh chấp. Trung Quốc đáp trả rất cẩn thận bởi vì hiện nay cán cân hải quân của hai nước không có lợi cho Trung Quốc. Tất nhiên, tại diễn đàn "Đối thoại chiến lược" ở Bắc Kinh không ghi nhận tiến bộ nào trong vấn đề đó.
Trong bối cảnh này điều đặc biệt thú vị là trong thời gian "Cuộc đối thoại chiến lược" cả Mỹ và Trung Quốc đều tuyên bố về ý muốn thiết lập mối quan hệ "thân thiện, hiệu quả giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới".
Hãy xem hai bên đã đạt được những thỏa thuận nào. Trung Quốc hứa sẽ cắt giảm sản lượng thép tràn vào thị trường Mỹ và những nước khác (nhưng không nói gì về sản lượng nhôm). Về phần mình Hoa Kỳ đảm bảo rằng các ngân hàng Mỹ có thể thanh toán bằng nhân dân tệ. Xin nói luôn, giới truyền thông Mỹ đã gọi thỏa thuận này là một chiến thắng của Hoa Kỳ. Có nghĩa là, quyết định đó phục vụ lợi ích của cả hai bên.
Mỹ và Trung Quốc cũng đã phối hợp các kế hoạch kinh tế, hứa sẽ không tham gia vào "cuộc chiến tranh phá giá" để các hàng xuất khẩu có sức cạnh tranh lớn hơn. Mỹ cũng hứa sẽ "điều trị" nền kinh tế của họ và sẽ tiết kiệm tiền, đồng thời sẽ đầu tư nhiều hơn để cải thiện các cơ sở hạ tầng cũ kỹ. Trung Quốc cần đến một nền kinh tế hùng mạnh của Mỹ. Và Mỹ cần đến một nền kinh tế hùng mạnh của Trung Quốc.
Hai bên cũng đã trao đổi ý kiến về một số vấn đề quan trọng khác. Ví dụ, Bắc Kinh muốn để Washington không ngăn chặn Trung Quốc đầu tư trực tiếp vào các dự án công nghệ cao tại Hoa Kỳ, và thậm chí yêu cầu để hai nước ký kết một thỏa thuận về đầu tư. Nhưng, trong khi hiệp ước như vậy chưa được ký kết, Hoa Kỳ cũng cáo buộc Bắc Kinh về những hành động nhằm ngăn chặn Mỹ đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc.
Cuối cùng, có một đồ chơi ưa thích của ông Obama — cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Mục đích chính của nó là thúc đẩy các công nghệ mới thân thiện với môi trường. Trong vấn đề này Trung Quốc dù có chút do dự, nhưng cũng đã gia nhập "chiến dịch giải cứu thế giới". Người Trung Quốc rất thích công nghệ cao và hy vọng rằng, vào thời điểm nhất định Trung Quốc sẽ đứng số một trên thế giới trong lĩnh vực này, tức là, sẽ đánh bại người Mỹ trong trò chơi của họ.
Ngoài những lợi ích kinh tế, hai cương quốc còn có mối quan hệ quân sự. Hải quân Trung Quốc tham gia các cuộc tập trận hải quân quốc tế RIMPAC do Mỹ tổ chức, kể cả tập trận RIMPAC —2016. Hai nước có hệ thống liên lạc trong trường hợp có sự cố nào đó, có cả nhiều biện pháp an ninh khác. Cả hai bên đều nói rằng, cần phải duy trì các thành tích đó.
Ở đây nảy ra câu hỏi: Làm thế nào để hai cường quốc vừa trên bờ vực chiến tranh và thường xuyên làm tăng mức độ căng thẳng, vừa thiết lập sự hợp tác trong những lĩnh vức khác nhau? Người Trung Quốc tin rằng, điều này là chấp nhận được, hoặc ít nhất là sự lựa chọn tốt nhất.
Có lẽ, theo gương của người Trung Quốc, chúng ta cũng nên thừa nhận rằng, phương án này là tốt hơn so với những biện pháp quân sự hoặc chiến tranh phức hợp.