Họ vừa ở thăm Matxcơva theo lời mời của Hội đồng Nga về các công việc ngoại giao và đã tham gia Hội thảo về các vấn đề của sự hợp tác Nga-Úc được tổ chức tại trường Đại học Quan hệ quốc tế Matxcơva (MGIMO).
Trong số các thành viên phái đoàn Úc có ông Paul Dibb, giáo sư danh dự về nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia, ông cũng là cựu Thứ trưởng Quốc phòng, giám đốc cơ quan tình báo quân đội Australia.
Ông Dibb không thể được gọi là một chính trị gia thân Nga. Tuy nhiên, ông tin rằng, Nga và Úc (quốc gia ủng hộ chính sách trừng phạt đối với Nga) nên tìm kiếm những khả năng hợp tác giữa hai nước.
Trưởng đoàn đại biểu — ông Michael Wesley, Giám đốc Viện nghiên cứu chính sách quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Australia lưu ý đến một số nguyên nhân tại sao Canberra đang quan tâm tới Matxcơva. Trả lời câu hỏi của phóng viên đài "Sputnik", ông Wesley cho biết:
"Nước Úc có mối quan hệ kinh tế rất quan trọng với Trung Quốc. Đồng thời Australia có mối quan hệ rất chặt chẽ với Mỹ trong lĩnh vực an ninh. Trong khi đó, Australia không muốn quá phụ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế, và quá phụ thuộc vào Mỹ trong lĩnh vực an ninh. Vì thế chúng tôi đang cố gắng đa dạng hóa hợp tác trong hai lĩnh vực quan trọng này. Ví dụ, Australia đang phát triển hợp tác an ninh với Trung Quốc nhằm tránh xung đột lợi ích. Và chúng tôi sẽ tiếp tục đa dạng hóa sự hợp tác kinh tế và quốc phòng, kể cả bằng cách thiết lập quan hệ đối tác với Nga".
Một thành viên của phái đoàn — giáo sư Kai Wilson từ Trung tâm nghiên cứu Châu Á thuộc Đại học Quốc gia Australia giải thích thêm rằng, thời gian gần đây sự quan tâm đến nước Nga đã gia tăng bởi vì Nga đạt được những thành tích trong sự phát triển các khu vực phía Đông. Úc muốn tham gia vào quá trình này và hy vọng sẽ nhận được lợi ích từ các hoạt động này".
Nếu nói về sự hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì Australia cũng có cách tiếp cận thực dụng. Ông Michael Wesley nói:
"Chúng tôi cho rằng, TPP là một thỏa thuận rất quan trọng, nhưng chúng tôi không có ảo tưởng, và không đánh giá văn kiện này như một thỏa thuận hoàn hảo. Hiệp định TPP không thể được coi là thỏa thuận hoàn hảo bởi vì trong số các thành viên không có Trung Quốc — đối tác hàng đầu về kinh tế của chúng tôi. Về mặt này người Úc khác hẳn với người Mỹ. Trung Quốc đã đề xuất sáng kiến thành lập một khu vực thương mại tự do trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, người Mỹ đã phản đối, nhưng chúng tôi đã ủng hộ sáng kiến này của Trung Quốc. Chúng tôi đã nói với Mỹ rằng, việc sử dụng các khối kinh tế trong sự cạnh tranh chính trị không đáp ứng lợi ích của Úc. Theo quan điểm của chúng tôi các hiệp định thương mại tự do và đầu tư phải được mở".