Cha của Kolskiy thuộc số những người ra đi không bao giờ trở về: Felix ra đời không lâu sau khi cha ông nhập ngũ vào năm 1941. "Thế hệ của tôi không bao giờ hồi phục — ông Felix Kolskiy nói, nhớ lại những tổn thất chiến tranh của Liên Xô là 27 triệu người. — Vì vậy, dù bất kỳ trường hợp nào chúng tôi đều không muốn có cuộc chiến tranh mới". Ông Felix muốn giúp nước Nga tránh khỏi cuộc xung đột thảm khốc — và quyết định viết thư cho Donald Trump.
"Thưa ông Trump, người đang viết thư cho ông là Felix Kolskiy, một công dân Nga rất đỗi bình thường ", — lời mở đầu lá thư viết. Từ thành phố công nghiệp trên sườn phía đông vùng núi Ural, như lời ông kể, Kolskiy chăm chú theo dõi diễn biến cuộc bầu cử Tổng thống ở Hoa Kỳ và cuối cùng đi đến kết luận: "Trong tất cả các ứng viên Tổng thống Mỹ chỉ riêng Trump là người duy nhất cho cảm giác tin cậy". "Nối nghiệp cha trong nghề xây dựng, ông đã đạt nhiều thành công lớn và làm giàu tài sản gia đình lên nhiều lần", — ông nhận xét. Kolskiy thấy Trump là hiện thân cho ý tưởng về một người Mỹ bình thường. "Việc làm của ông tạo ra hình ảnh thuyết phục, ông là con người của công việc, người xứng đáng được trao gửi số phận của cư dân và đất nước Mỹ".
Hiện nay, Trump có lẽ là chính trị gia Mỹ duy nhất công khai nói lên nguyện vọng giao hảo với Tổng thống Putin, để phát triển mối quan hệ với Nga và với vị nguyên thủ của nước Nga. Những lời ấm áp của Trump về ông Putin làm kinh hoàng những người ủng hộ chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và gây tranh cãi trong chiến dịch bầu cử. Ứng viên Trump ca ngợi Tổng thống Putin, còn nhà lãnh đạo Nga khen ông Trump là một người "tài năng" và "nổi bật". Bà Hillary Clinton bám vào cái cớ đó, rồi trong bài phát biểu gần đây về chính sách ngoại giao, bà ta đã chế giễu ông Trump, người từng nói rằng, "giả sử có dịp đánh giá khả năng lãnh đạo của ông Putin, thì sẽ chấm điểm 5 (điểm cao nhất trong thang điểm ở Nga)". "Nếu ông không biết là đang làm việc với ai, giới thân cận của Putin sẽ xơi tái ông trong bữa trưa", — bà Clinton nói.
Còn người Nga Kolskiy hy vọng rằng tân Tổng thống Hoa Kỳ sẽ không đối xử với Nga như với kẻ thù, mà trở lại tình hữu nghị dường như từng có giữa hai nước. Trong bức thư của mình, ông Kolskiy giải thích rằng, mặc dù Mỹ chú tâm quá nhiều vào NATO và bảo trợ các nước Baltic có tư tưởng chống Nga, nhưng Nga và Hoa Kỳ, theo lẽ tự nhiên, vẫn là đồng minh lịch sử. Mỹ đã trợ giúp Liên Xô khá nhiều trong Thế chiến II, bằng chương trình viện trợ Lend-Lease — tuy nhiên, hành động đó phải chăng xuất phát từ lòng biết ơn. "Trong thời gian nội chiến 1861-1865 giữa miền Bắc và miền Nam — với sự đồng ý của Chính phủ Abraham Lincoln — Nga đã gửi hạm đội của mình đến cảng San Francisco, và một đội khác đến Vịnh New York. — ông Kolskiy viết. Động thái này đã loại trừ khả năng can thiệp quân sự của Anh và Pháp… và trở thành sự hỗ trợ tinh thần to lớn".
"Với tình hình thế giới hiện nay, — ông Kolskiy kết luận — chúng ta cần những chính khách bình ổn có thẩm quyền với tính cách mạnh mẽ, có khả năng giải quyết hòa bình các vấn đề quan trọng. Donald Trump có thể là một người như vậy. Tôi hy vọng rằng người dân Mỹ sẽ bầu Donald Trump làm Tổng thống Hoa Kỳ. Tôi sẵn sàng tài trợ cho quỹ tranh cử của Donald Trump tổng số tiền 100 000 rúp (khoảng 1500 USD). Tôi hy vọng rằng xã hội Mỹ sẽ hiểu hành động của tôi. Tôi không muốn các đồng bào của tôi phải chịu số phận như 27 triệu công dân Liên Xô đã hy sinh trong Thế chiến II".
Ông Kolskiy đã in bức thư này và đưa cho cô cháu gái 19 tuổi Katya dịch sang tiếng Anh. Sau đó, Katya dành ra hai tiếng đồng hồ đi tới thành phố Ekaterinburg để trao bức thư của ông mình cho Lãnh sự Hoa Kỳ gần nhất.