Nhà phân tích chính trị Rostislav Ishchenko của hãng tin quốc tế Rossiya Segodnya cho biết:
Tại Hội nghị thượng đỉnh ở Tashkent sẽ chính thức hoàn tất quá trình Ấn Độ và Pakistan gia nhập SCO, và như dự định sẽ bắt đầu quá trình Iran gia nhập tổ chức này. Điều này có nghĩa là trong thành phần SCO sẽ có các quốc gia với 2/3 dân số châu Á và 1/3 dân số thế giới. Các nước SCO sở hữu hơn một nửa lượng dự trữ ngoại hối thế giới. Ngoài ra tất cả các tuyến đường vận chuyển quá cảnh Á-Âu (trừ tuyến đường biển qua kênh đào Suez) sẽ nằm dưới sự kiểm soát độc quyền của SCO.
Xin lưu ý đến quan điểm của nhà lãnh đạo Kazakhstan Nursultan Nazarbayev. Theo ông, "nhiệm vụ chính là đảm bảo để SCO không trở thành một tổ chức vô định hình, một tổ chức quan liêu". Đây không phải là một nhiệm vụ tầm thường, nhưng, nếu SCO thực hiện nhiệm vụ này thì sẽ đạt được thành công lớn hơn so với EU với nhiều biểu hiện của thói quan liêu, cũng như so với CIS và ASEAN nay là các diễn đàn chỉ để bàn luận chung chung.
Như vậy, đây là một đề xuất nhằm thống nhất lại châu Á trong khuôn khổ SCO thành một cơ cấu chính trị và kinh tế linh hoạt và mạnh mẽ để kiểm soát các thị trường hứa hẹn nhất và các tuyến đường quá cảnh. Ngoài ra cơ chế này có đủ sức mạnh quân sự để bảo vệ lợi ích của mình trước bất cứ hành vi xâm phạm. An ninh sẽ được bảo đảm thông qua hệ thống các liên minh quân sự song phương và đa phương, và nếu cần thiết thì hệ thống này có thể được bổ sung bằng những thỏa thuận mới.
Điểm quan trọng là cơ chế này sẽ được tự chủ hoàn toàn trong các vấn đề chính trị, tài chính, công nghệ và nguồn lực. Những kinh nghiệm của các thành viên chủ chốt (Trung Quốc, Iran, Nga) cho thấy rằng, các nước này có thể tự giải quyết các vấn đề một cách hiệu quả (mặc dù có những khó khăn nhất định) ngay cả dưới áp lực từ Mỹ và EU. Trong khi đó các nước phương Tây không thể tồn tại nếu không tiếp cận thị trường và nguồn tài nguyên của các nước SCO, mà trong một số trường hợp cả các loại sản phẩm công nghệ cao của họ (ví dụ như động cơ tên lửa, uranium có độ giàu thấp).
Thị trường khổng lồ của châu Á đang cung cấp cho Mỹ và EU các loại sản phẩm quan trọng sống còn. Thị trường này được bảo vệ bởi các lực lượng vũ trang của bốn cường quốc hạt nhân (Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan) tạo ra cơ sở đủ mạnh đảm bảo hoạt động kinh tế của các nước thành viên, không phụ thuộc vào số phận của hệ thống chính trị và kinh tế phương Tây. Trong trường hợp xấu nhất, SCO có đủ tiềm năng để sống theo mô hình tự cung tự cấp mà vẫn duy trì nhịp độ hợp lý phát triển kinh tế.
Do đó, phương Tây nói chung và mỗi nước phương Tây nói riêng nên thực hiện sự lựa chọn. Hoặc là tiếp tục những nỗ lực vô nghĩa nhằm kéo dài sự tồn tại của hệ thống chính trị và kinh tế toàn cầu hiện nay, mà trong đó phương Tây nắm giữ vị trí thống trị. Hoặc là gia nhập trên cơ sở bình đẳng một hệ thống mới đang được tạo ra trên cơ sở SCO.
Có chú ý đến các truyền thống chính trị và tình hình hiện tại ở châu Âu và Hoa Kỳ, có thể rút ra kết luận rằng, đề xuất của SCO trước hết hướng tới Liên minh châu Âu. Chính EU là khâu yếu nhất trong hệ thống phương Tây, và chính EU sẽ trở thành một nguồn cung cấp chính đối với Hoa Kỳ nếu các nước phương Tây bị tách khỏi các thị trường SCO. Tuy nhiên, có chú ý đến thói quen của Hoa Kỳ dễ thay đổi đồng minh để bảo vệ lợi ích của họ, không thể loại trừ khả năng sau khi "vắt hết nước" từ châu Âu Washington sẽ quyết định thiết lập quan hệ đối tác với một châu Á thống nhất.
SCO đang chỉ ở giai đoạn đầu tiên, còn phải thực hiện các kế hoạch, khẳng định khả năng tồn tại. Và tất cả điều này diễn ra dưới sức ép từ phía các "bạn bè và đối tác" phương Tây, những người sẽ phấn đấu đến cùng để bảo vệ sự thống trị toàn cầu của mình.