Chúng tôi giới thiệu với các bạn một số trích đoạn từ cuộc phỏng vấn này:
"Sputnik": Theo ý kiến của bà, nguyên nhân nào đã dẫn đến những sự kiện xảy ra trong vài ngày qua ở Thổ Nhĩ Kỳ? Bà có thái độ như thế nào đến lời tuyên bố của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ về việc Mỹ dính líu trong âm mưu đảo chính quân sự ở nước này? Liệu có thể nói về việc NATO hay Hoa Kỳ đang kiểm soát hoàn toàn hay ảnh hưởng đến những gì đang xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ?
M.Zaharova: Hiện nay chúng tôi trước hết quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn cho các công dân Nga hiện diện ở Thổ Nhĩ Kỳ. Do việc tất cả những chuyến bay đã bị đình chỉ, sân bay bị phong tỏa, có những vụ xung đột vũ trang tại các thành phố, nhiều người Nga, nói theo nghĩa đen, bị mắc kẹt tại đó. Bây giờ nhiệm vụ chính là duy trì liên lạc với những người Nga đã không thể bay ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và đang bị mắc kẹt ở đó. Còn có một nhiệm vụ không kém quan trọng là làm việc với phía Thổ Nhĩ Kỳ để đảm bảo an toàn cho công dân Nga đang hiện diện trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi làm việc suốt cả ngày đêm để giải quyết vấn đề này.
Về ảnh hưởng của NATO vào những gì đang xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, tôi xin lưu ý rằng, các sự kiện đó đã diễn ra một tuần sau Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên rất lớn và rất năng động của NATO. Và cơ cấu quân sự-chính trị lớn nhất của khối này có sẵn tất cả các công cụ để làm việc trong lĩnh vực an ninh, đã không nói dù một lời về mối đe dọa tiềm năng đe dọa an ninh không chỉ của Thổ Nhĩ Kỳ mà cả toàn bộ khu vực.
Vậy thì NATO đã làm gì? Liên minh đã tập trung vào… "mối đe dọa từ phía Nga". Một mối đe dọa ảo tưởng mà các thành viên NATO đã tự nghĩ ra, và tự quyết định đối đầu với nó. Đây là một ví dụ điển hình về định hướng sai lầm trong hoạt động của liên minh theo hướng giáng trả các mối đe dọa.
Xin lưu ý rằng, ngay sau hội nghị thượng đỉnh NATO ở Warsaw và ngay trước khi xảy ra âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ đã có vụ khủng bố ở Nice. Tất cả điều này xảy ra sau khi các nhà lãnh đạo NATO đã tập trung thảo luận về "mối đe dọa từ phía Nga".
"Sputnik": Chưa đầy hai tuần trước, tại Warsaw đã tiến hành Hội nghị thượng đỉnh NATO, tiếp sau đó đã tổ chức cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO cấp đại sứ. Như bà vừa nói ở trên, tại cuộc họp đó, Matxcơva đã không nghe thấy bất cứ điều gì mới mẻ từ các đại diện của khối Bắc Đại Tây Dương, tuy nhiên, Nga vẫn mở rộng cửa để tiếp tục đối thoại với liên minh này. Liệu Matxcơva sẵn sàng đề xuất sáng kiến tổ chức thường xuyên hơn những cuộc họp với đại diện NATO, kể cả những cuộc gặp cấp cao hơn?
M.Zaharova: "Chúng tôi đã phát triển mối quan hệ với NATO, nhưng liên minh đơn phương tuyên bố đình chỉ quan hệ với Nga. Sau một thời gian, họ đã quyết định nối lại các cuộc tiếp xúc với Nga. Sau khi quyết định đó được thông qua, chúng tôi đã nói ngay rằng, không có rào cản nào ngăn chúng tôi tương tác với NATO, vì không phải chúng tôi đã cản trở sự hợp tác. Tuy nhiên, sự hợp tác phải được tiến hành trên cơ sở bình đẳng, để có sự tôn trọng lẫn nhau.
Chúng tôi cho rằng, bất cứ quyết định về việc đình chỉ quan hệ với NATO sẽ là một sai lầm. Bởi vì các cơ chế của sự tương tác được xây dựng để các bên có thể đối thoại với nhau không chỉ trong thời gian tương đối yên tĩnh, mà chủ yếu trong thời gian khủng hoảng, khi tất cả mọi thứ đều là xấu".
"Sputnik": Nga có quan điểm như thế nào về việc NATO đang phô trương mối liên hệ chặt chẽ hơn với các nước như Gruzia, hoặc về việc Thụy Điển và Phần Lan đã tham gia đầy đủ trong hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất của NATO?
M.Zaharova: "Chúng tôi cho rằng, kế hoạch mở rộng NATO để tiếp cận biên giới Nga là rất nguy hiểm và đe dọa sự ổn định châu Âu. Cơ sở hạ tầng của NATO đang đến sát biên giới Nga. Bằng cách này các thành viên NATO muốn đối đầu với "mối đe dọa ảo tưởng từ phía Nga". Nhưng, rõ ràng là có một mối đe dọa thực sự: từ phía chủ nghĩa khủng bố quốc tế, tội phạm có tổ chức, thậm chí thiên tai đã thành mối đe dọa thực sự. Cần phải làm việc để giáng trả những nguy cơ này. Trong lĩnh vực này sự hợp tác quốc tế chứa đựng những tiềm năng to lớn.
Đáng tiếc, chúng tôi thấy rằng, NATO giữ lập trường không xây dựng trong những vấn đề đòi hỏi phản ứng tức thì, và song song với điều đó chúng tôi thấy việc mở rộng cơ sở hạ tầng nhằm bao vây LB Nga với cái cớ giả tạo. Đây là một con đường sai lầm, mà liên minh đã chọn lựa. Định hướng này làm Nga khó chịu, nhưng, đồng thời đây là đường lối nguy hiểm đối với các thành viên NATO, bởi vì họ không nhìn thấy những mối đe dọa thực sự. "