Không bàn đến chuyện thông tin của Reuters liệu có chính xác hay chăng, nhưng bất kỳ hành động nào cũng khởi sinh phản ứng, — nhà chính trị học của Nga, GS Dmitry Mosyakov nhận định. Ông Mosyakov nói:
"Lịch sử thập kỷ gần đây là câu chuyện về cách quần đảo Trường Sa dần dần chuyển vào sự kiểm soát của Trung Quốc như thế nào. Trong đó cũng đã rõ trận hải chiến năm 1988, khi người Trung Quốc đánh chìm ba tàu của Việt Nam. Và nếu bây giờ Trung Quốc bố trí căn cứ của mình trên các hòn đảo, chuẩn bị để sử dụng vào mục đích quân sự, thì chuyện đương nhiên là Việt Nam thông qua biện pháp đáp trả với mục đích đảm bảo quyền của nước mình với những hòn đảo. Chính Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết của Tòa án Hague, thay vì đàm phán lại bắt đầu quân sự hóa những hòn đảo, và như vậy không thể không tạo phản ứng đáp lại".
Về những cuộc tập trận hải quân chung, mà Nga và Trung Quốc sẽ tổ chức ở Biển Đông vào tháng Chín, thì theo quan điểm của GS Mosyakov, không có liên quan gì và không ràng buộc với tình hình tại khu vực này. Những cuộc thao diễn quân sự tương tự như vậy tại khu vực Biển Đông đã từng được tiến hành, hoạt động sắp tới cũng đã được lên kế hoạch từ thời gian dài trước đây và tuyệt nhiên không phải là kiểu tín hiệu hay dấu hiệu nào đó. Mặc dù, trong chừng mực đây là khu vực khá bức xúc, tập trận theo kế hoạch có thể được cảm nhận không đồng nhất. Trả lời những người cho rằng bằng việc tham gia cuộc tập trận chung với Trung Quốc, Matxcơva đang bày tỏ sự ủng hộ của mình với lập trường của Bắc Kinh tại Biển Đông, — chuyên gia Mosyakov nhận xét:
"Khác với Trung Quốc, Nga trên thực tế công nhận phán quyết của Tòa án Hague và đã thay đổi lập trường trước đây của mình. Tại Diễn đàn Nga-ASEAN ở Sochi hồi tháng Năm, có ý kiến nói rằng các bên xung đột nên tự giải quyết vấn đề của mình. Ngày 12 tháng Bảy xuất hiện phán quyết của Tòa án Hague, và sang ngày 13 tháng Bảy, đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, Nga chống lại sự can thiệp từ bên ngoài vào cuộc xung đột, nhưng tán thành giải quyết tranh chấp trên cơ sở pháp lý quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển. Đó là thay đổi rất quan trọng và rõ ràng trong lập trường của LB Nga. Tôi tin chắc rằng qua một năm-năm rưỡi nữa, cả Trung Quốc cũng sẽ bắt đầu chuyển động theo cùng hướng này".