Nền kinh tế của Mông Cổ rất cần gia tăng sản lượng điện. Nhưng trạm thủy điện và những con đập được xây dựng trên phụ lưu chính của hồ Baikal sẽ khiến cho khối lượng nước trong hồ suy giảm đáng kể và có thể làm cho nó bị cạn đi. Trong thực tế, đó là thảm họa sinh thái cho bản thân hồ Baikal.
Ở đây đang nói đến tối thiểu 6 dự án. Nhưng nguy hiểm nhất đối với Baikal có vẻ là dự án xây dựng nhà máy thủy diện "Eigin Gol". Vấn đề ở đây là dòng chảy sông Eigin, nơi sẽ xây dựng nhà máy thủy điện, không thuộc phạm vi thỏa thuận ký kết vào năm 1995 giữa Nga và Mông Cổ về việc sử dụng các con sông xuyên biên giới. Theo đó, bất kỳ hành động nào trên con sông này đều là công việc nội bộ và chủ quyền của Mông Cổ.
Tuy nhiên, "Greenpeace" và tổ chức môi trường quốc tế "Các con sông không biên giới" đang đặt vấn đề đóng dự án Mông Cổ để ngăn chặn kế hoạch gây thảm họa cho hồ Baikal. Theo các nhà khoa học, việc xây dựng nhà máy thủy điện không chỉ gây tổn hại cho hồ, mà cũng có thể khiến các loài cá và chim quý hiếm ở đây bị tuyệt chủng. Nhất là trong những năm gần đây, nước hồ Baikal đang cạn dần đi. Tất cả nỗ lực của phía Nga để đạt được việc đình chỉ các dự án nói trên bằng phương tiện ngoại giao đã không dẫn đến kết quả. Trong tháng Sáu năm nay, tại cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mông Cổ Elbegdorj Tsakhiagiin tại Tashkent, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu vấn đề này. Ông Putin nói:
"Thái độ của các tổ chức môi trường Nga và quốc tế đối với dự án này là rõ ràng: việc thực hiện dự án có thể làm tăng rủi ro nhất định đối với vấn đề cung cấp nước cho tỉnh Irkutsk của chúng tôi và hệ sinh thái độc đáo của hồ. Sông Selenga là nhánh chính của hồ Baikal. Tình trạng thiếu năng lượng ở Mông Cổ là nghiêm trọng, và chúng tôi hiểu điều đó. Các nhà máy thủy điện của Nga có thể tăng cung cấp điện cho các khu vực phía bắc Mông Cổ. Có những phương án lựa chọn khác để giải quyết vấn đề này. Và chúng tôi rất quan tâm đến việc cùng nhau giải quyết những gì liên quan đến kế hoạch xây dựng các công trình thủy điện với các đối tác Mông Cổ và Trung Quốc".
Các nguồn tài chính cho các dự án Mông Cổ do Ngân hàng Thế giới và Trung Quốc cung cấp. Sau tuyên bố của các tổ chức môi trường quốc tế và tổng thống Nga, Ngân hàng Thế giới đã lên tiếng về sự cần thiết phải tiến hành đánh giá tác động của dự án đối với môi trường. Trung Quốc đã đình chỉ quá trình phân bổ 1 tỷ USD cho dự án. UNESCO cũng thể hiện mối quan ngại đối với vấn đề này.
Trong khi đó, Giám đốc dự án thủy điện Odhu Durza nói rằng sự quan ngại của Nga đối với vấn đề môi trường là vô căn cứ, và sự phản đối của Nga, Trung Quốc và UNESCO là có động cơ chính trị. "Nếu chúng ta từ bỏ dự án, có nghĩa là chúng ta sẽ không thể làm bất cứ điều gì mà không có sự cho phép của Nga hay Trung Quốc", — ông Odhu Durza. Ông cũng nhấn mạnh rằng, một khi con sông định xây dựng công trình thuỷ điện "Eigin Gol" không chảy qua biên giới quốc gia, việc xây dựng nhà máy điện là vấn đề nội bộ của Mông Cổ. Và bây giờ, khi Ngân hàng Thế giới và Trung Quốc đình chỉ việc cho vay vốn để thực hiện dự án này, Mông Cổ sẵn sàng tìm nguồn tài trợ từ các nước khác, trong đó có Na Uy, Hàn Quốc và Nhật Bản, ông Odhu Durza cho biết.
Vậy, những người nào sẽ đồng ý tham gia vào dự án giết chết hồ Baikal?