Ở Nga, trong số những người được hỏi ý kiến, 64% người đã từng sống dưới thời Xô Viết cho rằng, chất lượng cuộc sống ở Liên Xô là cao hơn so với thời gian hậu Xô Viết. Ở Kazakhstan, trong số những người ở độ tuổi này — 61% cũng cho rằng, cuộc sống ở Liên Xô là tốt hơn. Ở Ukraina, Moldova và Kyrgyzstan 60% người được hỏi ý kiến chia sẻ ý kiến này. Ở Belarus — 53%, ở Gruzia — 51%. Các nhà nghiên cứu ghi nhận tỷ lệ cao nhất tại Armenia (71%) và Azerbaijan (69%). Mặt khác, 91% cư dân Uzbekistan và 55% cư dân Tajikistan trên 35 tuổi cho rằng, cuộc sống là tốt hơn sau sự sụp đổ của Liên Xô.
Những người không nhớ cuộc sống dưới thời Liên Xô (ở độ tuổi 18-24), cho rằng, cuộc sống là tốt hơn sau khi Liên Xô sụp đổ. Ở Nga 63% thanh niên có ý kiến như vậy.
Theo Tổng Giám đốc Viện các vấn đề khu vực, nhà phân tích chính trị Dmitry Zhuravlev, kết quả khảo sát phản ánh tình hình thực tế. Trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik, ông Zhuravlev nói:
"Dù đã có nhiều thiếu sót nghiêm trọng, nhưng hệ thống của Liên Xô đã có định hướng phục vụ lợi ích xã hội, đảm bảo an toàn, an ninh, đã có niềm tin vào ngày mai. Trên thực tế trong cuộc khảo sát này cách đánh giá thời Liên Xô là " tốt hơn" có nghĩa là bình tĩnh hơn, an toàn hơn".
Bình luận cách đánh giá chất lượng cuộc sống, chuyên gia Zhuravlev cho biết:
"Ví dụ, tại sao ở Uzbekistan chỉ có ít người cho rằng cuộc sống thời Liên Xô là tốt hơn? Bởi vì vào thời điểm Liên Xô tan rã, một phần đáng kể dân số Uzbekistan đã sống ở nông thôn, và sự kiện đó không tác động đến mức sống của họ, những người nông dân vẫn sống trong làng của mình. Vào thời điểm Liên Xô tan rã, ở Uzbekistan dân số đô thị chủ yếu nói tiếng Nga, nhưng đây là tỷ lệ rất nhỏ so với tổng dân số của đất nước. Còn ở Armenia, cuộc sống vào những năm 1990 đã là rất vất vả, đã có chiến tranh, vì thế đa số cư dân cho rằng, cuộc sống dưới thời Liên Xô là giai đoạn thành công và phát triển".
Xét theo kết quả cuộc thăm dò dư luận, vô tình nảy ra câu hỏi: liệu có thể khôi phục lại Liên Xô? Ông Dmitry Zhuravlev nêu ý kiến :
"Theo tôi, khôi phục lại nhà nước Liên Xô là một nhiệm vụ bất khả thi. Bởi vì đã xuất hiện các tầng lớp thượng lưu mới, và họ không có ý định từ bỏ quyền quản lý hoàn toàn đất nước mình. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể thành lập một loại liên minh, ví dụ, trên cơ sở kinh tế và lãnh thổ theo kiểu EU".
Trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik, nhà phân tích chính trị Vladimir Novikov cho biết rằng, cuộc thăm dò dư luận đã mang lại kết quả như dự kiến:
"Sau sự sụp đổ của Liên Xô nhiều người đã nghĩ rằng, sau cuộc sống không lý tưởng ở Liên Xô, nhà nước của họ sẽ bước vào một tương lai tư bản chủ nghĩa. Hóa ra, không thể xây dựng được một "tương lai tươi sáng" như mơ ước. Do đó, người ta bắt đầu nhìn lại quá khứ để tìm kiếm một định hướng".